Rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa |
Rác thải nhựa đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau như từ sinh hoạt, rác thải y tế, công nghiệp, rác thải từ hoạt động xuất nhập khẩu, từ các khu du lịch, dịch vụ, trong đó, rác thải nhựa từ hoạt động sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình có xu hướng ngày càng tăng do vấn đề phát triển dân số và sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt của xã hội hiện đại.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc tiêu dùng các sản phẩm nhựa vô tình đã trực tiếp hoặc gián tiếp được thúc đẩy, ví dụ như: Khuyến cáo hoặc bắt buộc đeo khẩu trang y tế, găng tay, tấm che giọt bắn, áo bảo hộ khi tham gia các hoạt động tại khu vực công cộng; khuyến khích sử dụng các phương thức mua bán trực tuyến, qua đó, gián tiếp làm tăng số lượng túi ni lon trong bảo quản, vận chuyển hàng hóa hoặc việc gia tăng sử dụng hộp, cốc, thìa nhựa khi mua đồ ăn qua mạng…
Hiện tại, chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng rác thải nhựa sinh hoạt trong thời kỳ COVID-19 nhưng rõ ràng, chỉ cần quan sát sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng hàng ngày là có thể thấy rõ số lượng rác thải nhựa đang có sự gia tăng đáng kể.
Hành động của người tiêu dùng để hạn chế vấn nạn rác thải nhựa
Tác hại của rác thải nhựa đến sức khỏe của con người, đến sự an toàn của sinh vật biển, của nguồn nước ngầm và nhiều hệ lụy môi trường khác là vấn đề rõ ràng, nghiêm trọng và cần có hành động của toàn xã hội để chung tay khắc phục, cùng bảo vệ sự phát triển của các thế hệ tương lai.
Để góp phần vào công cuộc này, mỗi người tiêu dùng cần tự ý thức, chủ động thực hiện và tích cực chia sẻ, lan tỏa ý thức hạn chế rác thải nhựa tới người thân, bạn bè, đồng nghiệp thông qua những hành động thường ngày như sau:
1. Bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, chủ động phân loại rác thải
Hướng dẫn phân loại rác thải |
2. Hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa 1 lần
Rác thải nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đang trở thành vấn đề có tính toàn cầu. Theo các nghiên cứu của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), mỗi một phút người tiêu dùng toàn cầu mua 1 triệu chai nhựa đựng nước và mỗi năm hàng nghìn tỷ túi nhựa sử dụng một lần được tiêu thụ. Đồng thời, quá nửa các chế phẩm từ nhựa là loại dùng 1 lần.
Trên thực tế, việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần có thể được áp dụng trong nhiều hoạt động thường ngày của người tiêu dùng, ví dụ:
- Ưu tiên sử dụng túi, hộp làm từ vật liệu có thể tự phân hủy sinh học hoặc có thể tái sử dụng để đi chợ, đựng thực phẩm, đựng rác thải hàng ngày. Trường hợp bắt buộc phải sử dụng, nên dồn các đồ vật cần đựng vào số lượng túi ni lon ít nhất có thể, ví dụ: khi đi siêu thị nên đựng đầy đồ vào 1 túi nhựa hoặc không nên chia nhỏ rác thải vào nhiều túi nhựa khác nhau khi đi đổ rác…
- Lựa chọn quán café, giải khát có sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ, ống hút làm từ vật liệu thiên nhiên.
- Mua thực phẩm, đồ đựng trong túi giấy thay vì hộp, bao bì bằng nhựa.
- Không nên tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh quá nhiều.
- Sử dụng dụng cụ vệ sinh trong gia đình làm từ vật liệu thiên nhiên thay cho đồ nhựa, như các loại chổi, chất tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên, an toàn với môi trường…
Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang cùng nhau tham gia cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, cuộc chiến chống rác thải nhựa cũng là cuộc chiến lâu dài và ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhân loại. Vì vậy, trong thời kỳ ảnh hưởng của dịch bệnh, trước khi tiêu dùng các sản phẩm nhựa, mỗi người tiêu dùng cần ý thức và cẩn trọng trong hành vi của mình.
LP