Ảnh minh họa |
1- Mua sắm, lắp đặt, sử dụng các thiết bị, dụng cụ, thuốc, hóa chất và các nguyên vật liệu phù hợp, bảo đảm hạn chế phát sinh chất thải y tế.
2- Đổi mới thiết bị, quy trình trong hoạt động y tế nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải y tế.
3- Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
4- Quản lý và sử dụng vật tư hợp lý, hiệu quả.
Theo dự thảo, chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn y tế thông thường phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh. Từng loại chất thải rắn y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa. Khi chất thải rắn lây nhiễm để lẫn với chất thải rắn khác hoặc ngược lại thì hỗn hợp chất thải rắn đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải rắn lây nhiễm.
Mỗi khoa, phòng, bộ phận phải bố trí vị trí để đặt các bao bì, dụng cụ phân loại chất thải rắn y tế. Vị trí đặt bao bì, dụng cụ phân loại chất thải rắn y tế phải có hướng dẫn cách phân loại và thu gom chất thải.
Phân loại, thu gom chất thải rắn y tế
Theo dự thảo, chất thải rắn y tế được phân loại như sau: 1- Chất thải lây nhiễm sắc nhọn: Đựng trong thùng hoặc hộp kháng thủng và có màu vàng; 2- Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn: Đựng trong túi, thùng hoặc thùng có lót túi và có màu vàng; 3- Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao: Đựng trong túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng; 4- Chất thải giải phẫu: Đựng trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng; 5- Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng rắn: Đựng trong túi, thùng hoặc thùng có lót túi và có màu đen; 6- Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng lỏng: Đựng trong các can, dụng cụ có nắp đậy kín; 7- Chất thải y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế: Đựng trong túi, thùng hoặc thùng có lót túi và có màu xanh; 8- Chất thải sắc nhọn không lây nhiễm: Đựng trong thùng kháng thủng và có màu xanh; 9- Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế: Đựng trong túi, thùng hoặc thùng có lót túi và có màu trắng.
Dự thảo nêu rõ, chất thải rắn lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom. Cơ sở y tế quy định tuyến đường và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ, xử lý chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế.
Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế ít nhất 1 lần/ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải rắn lây nhiễm phát sinh dưới 5 kg/ngày, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu lưu giữ tạm thời trong khuôn viên cơ sở y tế hoặc đưa đi xử lý, tiêu huỷ tối thiểu là 1 lần/tháng.
Chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Chất thải có chứa thuỷ ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp và bảo đảm không bị rò rỉ hay phát tán hơi thuỷ ngân ra môi trường.
Chất thải rắn y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải rắn y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế được thu gom riêng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.