In bài viết

Hạn chế tác động tiêu cực của trò chơi điện tử trên mạng

(Chinhphu.vn) – Tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng đối với hoạt động quản lý trò chơi điện tử trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất các quy định nhằm hạn chế tác động tiêu cực của trò chơi điện tử trên mạng.

13/11/2013 15:03

Ảnh minh họa

Dưới 18 tuổi không được chơi quá 3 giờ/ngày

Theo dự thảo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 phải áp dụng biện pháp kỹ thuật để quản lý tập trung tài khoản của người chơi. Phải bảo đảm tổng thời gian sử dụng tất cả các trò chơi điện tử G1 của doanh nghiệp đối với mỗi người chơi dưới 18 tuổi từ 8-22 giờ hằng ngày không quá 180 phút.

Trò chơi điện tử G1 là trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo dự thảo, khi đăng nhập sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử G1, hoặc khi sử dụng dịch vụ tại điểm cung cấp trò chơi điện tử công cộng, người chơi phải cung cấp những thông tin cá nhân.

Thông tin cá nhân người chơi bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ đăng ký thường trú; số chứng minh thư hoặc số hộ chiếu. Trường hợp người chơi dưới 14 tuổi và chưa có hộ chiếu, người bảo hộ hợp pháp sẽ quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của mình để thể hiện sự cho phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký đó.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng phải lưu giữ các thông tin cá nhân người chơi tối thiểu 1 năm và sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an để xác thực thông tin; chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải lưu trữ thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ tối thiểu 1 năm.

Không quy đổi vật phẩm ảo, điểm thưởng thành tiền

Theo dự thảo, vật phẩm ảo phải được khởi tạo trong trò chơi điện tử trên mạng theo đúng nội dung kịch bản được cấp phép. Người chơi được dùng điểm thưởng hoặc giá trị có trong tài khoản trò chơi của mình để đổi lấy vật phẩm ảo do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khởi tạo.

Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, vật phẩm ảo chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi và theo đúng mục đích được báo cáo trong hồ sơ giải trình khi thẩm định nội dung kịch bản. Vật phẩm ảo không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào.

Tương tự, điểm thưởng cũng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi và theo đúng mục đích được quy định trong nội dung kịch bản được cấp phép. Điểm thưởng không có giá trị chuyển đổi thành các loại tiền thật, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử trên mạng.

Vật phẩm ảo là hình ảnh đồ họa của một đồ vật, một nhân vật theo quy tắc nhất định do nhà sản xuất trò chơi thiết lập. Vật phẩm ảo chỉ tồn tại trong trò chơi mà nó được khởi tạo.

Điểm thưởng là các hình thức thưởng tương đương cách tính điểm mà người chơi nhận được trong quá trình tham gia trò chơi.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.

Thanh Hoài