In bài viết

Hạn chế tình trạng lao động sớm ở trẻ em: không dễ

Đồng Nai là một trong 5 địa phương của cả nước nằm trong dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chương trình về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất” do tổ chức lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ. Mục tiêu của dự án nhằm góp phần phòng ngừa và từng bước xóa bỏ hiện trạng lao động trẻ em tồi tệ nhất thông qua việc hỗ trợ chương trình có thời hạn ở Việt Nam và Đồng Nai. Đồng thời, góp phần cải thiện cơ sở thông tin dữ liệu quốc gia và của tỉnh về lao động trẻ em, từng bước cải thiện điều kiện sống và nâng cao nhận thức cộng đồng xã hội về lao động trẻ em. Song để ngăn ngừa và đi đến xóa bỏ hoàn toàn tình trạng trẻ em lao động sớm, điều đó không dễ.

11/02/2011 15:58
Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng các em đã phải gác lại việc học để phụ giúp gia đình. Theo thống kê chưa đầy đủ từ Chi cục Bảo trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em (BTXH&BVCSTE) tỉnh, năm học 2008-2009 toàn tỉnh có 5.497/535.108 học sinh bỏ học, chiếm 1,24%. Trong đó, cấp tiểu học có 419 học sinh bỏ học mà nguyên nhân chủ yếu là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chiếm 42,48% còn lại là các nguyên nhân khác như bị bệnh mãn tính, tai nạn... Các đơn vị có tỉ lệ học sinh bỏ học cao hơn tỉ lệ chung của tỉnh là: Vĩnh Cửu (0,8%), Định Quán, Tân Phú, Nhơn Trạch và Trảng Bom ( 0,3%). Tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều hơn phải kể đến là cấp THCS có tới 2.867 học sinh bỏ học, chiếm 1,79%. Với các đơn vị có tỉ lệ học sinh bỏ học cao hơn tỉ lệ chung của tỉnh như: Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom, Long Khánh, Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ. Riêng cấp THPT có 2.211 học sinh bỏ học, chiếm 2,74%. Những công việc phụ giúp gia đình rất vất vả. Khảo sát sơ bộ tại 2 xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) và Phú Ngọc (huyện Định Quán) nằm trong dự án của tỉnh cho thấy, với xã Mã Đà hiện toàn xã có trên 2.200 trẻ em dưới 16 tuổi và đây là xã cơ bản phổ cập chương trình THCS. Song thực tế tại đây chỉ có khoảng trên chục em đang theo học bậc THPT. Do Mã Đà là xã đặc biệt khó khăn, chỉ có 2 trường học là 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học gồm 5 điểm dạy cách xa nhau chừng 20 km. Khoảng 291 trẻ em ở đây phải lao động sớm mà lý do chủ yếu là do kinh tế gia đình quá khó khăn. Và vì điều kiện khó khăn, các điểm trường xa nhau nên gần 30% số học sinh trong độ tuổi đã nghỉ học, tham gia vào các hoạt động lao động sớm. Có trường hợp như hai anh em cháu Nguyễn Thị Bé Gái, 12 tuổi cùng anh trai đang trong độ tuổi đi học, phải nghỉ học ở nhà để vừa chăm mẹ bị tai nạn, vừa lo lao động kiếm sống. Ngoài ra còn khá nhiều trường hợp trẻ 5-6 tuổi cũng theo phụ cha mẹ làm việc trong xưởng giấy tại xã, lao động của các em dù nhỏ nhưng đã phụ giúp thêm nguồn tiền ít ỏi cho cuộc sống gia đình, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, cán bộ phụ trách công tác trẻ em xã cho biết. Tập huấn cho cán bộ trẻ em về dự án ngăn ngừa trẻ em lao động sớm tại sở LĐ-TB&XH. Còn tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán cũng là một xã có nhiều trẻ em phải tham gia lao động sớm. Theo thống kê, công việc mà các em đang làm chủ yếu là đan lát, cạo hạt điều, đánh bắt cá, làm rẫy thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, cán bộ phụ trách trẻ em xã Phú Ngọc chia sẻ: tất cả do điều kiện kinh tế của gia đình các em còn quá khó khăn, gia đình đông con nên các em đã phải tham gia lao động khá sớm cùng cha mẹ kiếm tiền phục vụ cho cuộc sống mưu sinh. Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục BTXH&BVCSTE, với những thuận lợi về phát triển kinh tế nên Đồng Nai thu hút người lao động với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đến làm việc và sinh sống trong đó đặc biệt là lao động trẻ em. Những công việc thu hút nhiều lao động trẻ em ở các địa phương như: mót mủ cao su, bán vé số dạo ở khu đô thị phát triển, đánh bắt cá, làm thuê trên rẫy, làm việc hợp đồng gia công trong các khu công nghiệp, các xưởng mộc, các cơ sở sản xuất của tư nhân… Địa bàn có nhiều trẻ em tham gia lao động là các huyện: Long Thành, Thống Nhất, Định Quán, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, thành phố Biên Hòa. Ông Thành cho biết thêm, nhìn chung lao động trẻ em Đồng Nai không tập trung mà gần như trải đều ở tất cả các địa phương. Trong đó đáng quan tâm là vấn đề trẻ em bán vé số dạo và mót mủ cao su, làm phụ trong các cơ sở sản xuất lò gạch, gốm sứ, đan lát, chế biên hạt điều… đã ảnh hưởng không ít đến sức khỏe và học tập của các em. Với tình hình trẻ em bỏ học và trẻ em phải tham gia lao động như trên, các ban ngành của tỉnh Đồng Nai cũng đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong công tác phối hợp đưa các em trở lại trường với hình thức như: hỗ trợ học bổng, xây dựng nhà tình thương, giúp gia đình vay vốn sản xuất phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống… Thế nhưng những nỗ lực này vẫn như “muối bỏ bể” vì số lượng các em thường xuyên biến động qua các năm. Từ thực trạng trên cho thấy cần phải có sự vào cuộc từ nhiều phía để hạn chế tình trạng lao động sớm ở trẻ em. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện ILO cho rằng: chúng ta không hoàn toàn phủ nhận lao động trẻ em là xấu nhưng không có nghĩa là các em trong độ tuổi đi học phải bỏ học để tham gia lao động sớm. Nếu xét theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em thì các em phải được tạo mọi điều kiện để vui chơi, học hành đầy đủ trong độ tuổi. Do đó muốn ngăn ngừa và xóa bỏ tình trạng lao động sớm ở trẻ em cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội. Mặt khác, khi nhận thức của cộng đồng được nâng lên, vấn đề thực hiện các quyền đối với trẻ em, trong đó có quyền được học hành, vui chơi sẽ dễ dàng hơn. Nguyễn Lê