In bài viết

Hạn hán và thiếu nước sẽ gay gắt hơn năm 2015

(Chinhphu.vn) - Trong năm nay, tình trạng khô hạn tại Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ rất gay gắt; ra mắt Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; TPHCM đề xuất 10,5 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật dự án xe buýt BRT… là các thông tin xã hội nổi bật ngày 16/2.

16/02/2016 18:48
Trong năm 2016, tình trạng khô hạn tại Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ rất gay gắt. Ảnh minh họa.
Khô hạn tại Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ rất gay gắt

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo: Từ nay đến cuối tháng 5, dòng chảy trên các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần.

Dòng chảy trên các sông ở Bắc Trung Bộ có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 50-70%; ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 60-80%, một số nơi thiếu hụt nhiều hơn 80%; ở Tây Nguyên từ tháng 2 đến tháng 4 thấp hơn khoảng 60-80% và khoảng 30-50% trong tháng 5-6. Mùa khô ở các tỉnh ven biển Trung Bộ sẽ kéo dài tới tháng 8-9.

Trên nhiều sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ và thấp nhất lịch sử. Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên ngay trong các tháng đầu mùa khô 2016, nên tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng xảy ra sớm, trên diện rộng và khốc liệt hơn so với năm 2015.

Dưới tác động của El Nino, nhiều khả năng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong năm 2016 tương đương, hoặc ít hơn so với trung bình hằng năm.

Nhiệt độ trung bình ở các tỉnh miền Bắc trong các tháng tiếp theo của nửa đầu năm 2016 tiếp tục có xu hướng cao hơn trung bình hằng năm từ 0,5-1 độ C. Các tỉnh phía nam cao hơn trung bình hằng năm từ 1-1,5 độ C.

Lượng mưa trên phạm vi toàn quốc nhìn chung sẽ thiếu hụt so với trung bình hằng năm từ 2-4%, trong đó mưa 6 tháng đầu năm ở Bắc Bộ có khả năng cao hơn 10-20% so với trung bình hằng năm; khu vực từ Trung Bộ trở vào phía Nam phổ biến thiếu hụt so với trung bình hằng năm từ 30-50%.

Mưa trái mùa có khả năng xuất hiện trong các tháng mùa Đông Xuân ở các tỉnh Bắc Bộ. Bên cạnh đó một số nơi tại Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện khô hạn gay gắt cục bộ ngay trong nửa đầu năm 2016.

Ra mắt Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình

Ngày 16/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã ra mắt Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 28 thành viên do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng Ban, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên và Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn làm Phó trưởng Ban.

Ban Chỉ đạo có Tổ thư ký giúp việc với 17 thành viên. Thường trực Ban Chỉ đạo đặt tại Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt, chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện kế hoạch.

TPHCM đề xuất 10,5 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật dự án xe buýt BRT

UBND TPHCM vừa gửi Bộ KH&ĐT hồ sơ đăng ký đề xuất hỗ trợ kỹ thuật cho dự án phát triển giao thông xanh (xe buýt nhanh BRT) do WB tài trợ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) với kinh phí 10,5 triệu USD.

Theo đó, dự án hỗ trợ kỹ thuật của SECO được thực hiện từ năm 2016-2020, bao gồm các nội dung như nghiên cứu quy hoạch đô thị tích hợp dọc hành lang dự án BRT, quy hoạch giao thông và tăng cường tính kết nối, tăng cường năng lực cho các đơn vị và sở, ngành có liên quan.

Về nội dung cụ thể, dự án gồm 3 hợp phần, trong đó hợp phần A là quy hoạch đô thị tích hợp, hỗ trợ các hoạt động tích hợp quy hoạch đô thị dọc hành lang tuyến BRT số 1; hợp phần B thực hiện quy hoạch giao thông và tăng cường tính kết nối các phương thức giao thông khác với hệ thống BRT còn hợp phần C sẽ tăng cường năng lực cho các đơn vị liên quan.

Liên quan đến xe buýt nhanh BRT, vừa qua Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông-đô thị TPHCM công bố dự án tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ) với tổng mức đầu tư 137,5 triệu USD, trong đó WB tài trợ 124 triệu USD.

Dự kiến tuyến số 1 sẽ đưa vào vận hành khai thác từ tháng 12/2018, nhằm giải quyết một số vấn đề liên quan đến vận tải hành khách công cộng, thông qua việc tái cấu trúc lại mạng lưới tuyến xe buýt, kết hợp với các tuyến tàu điện ngầm hình thành mạng lưới vận tải hành khách công cộng đô thị khối lượng lớn, tốc độ cao, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, bảo vệ môi trường.

Hà Anh (tổng hợp)