In bài viết

Hàn Quốc đẩy mạnh 'quốc tế hóa' ngôn ngữ và văn hóa bằng cách nào?

(Chinhphu.vn) - Hàn Quốc đẩy mạnh "quốc tế hóa" ngôn ngữ và văn hóa truyền thống thông qua Viện Sejong và các Trung tâm Văn hóa nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận toàn cầu.

01/07/2025 14:14
Hàn Quốc đẩy mạnh 'quốc tế hóa' ngôn ngữ và văn hóa bằng cách nào?- Ảnh 1.

Viện Sejong – cầu nối ngôn ngữ Hàn

Ngày 30/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho biết trong năm nay, nước này đã thành lập thêm 11 Học viện King Sejong (Viện Sejong) với sự tài trợ của nhà nước như một phần trong nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận toàn cầu của ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. Việc mở những học viện mới này nâng tổng số trung tâm học ngôn ngữ của Viện Sejong lên 252 trung tâm tại 87 quốc gia.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Viện Sejong được đặt theo tên của vị vua triều đại Joseon thế kỷ 15 - người đã phát minh ra bảng chữ cái tiếng Hàn Hangeul.

Các trung tâm học ngôn ngữ mới của Viện Sejong được đặt tại 9 quốc gia, bao gồm 2 trung tâm ở Ai Cập, 6 trung tâm ở các quốc gia châu Á là Trung Quốc, Uzbekistan và Philippines và 3 trung tâm ở Đức, Italy và Hungary.

Tại Ai Cập, ngoài Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ở thủ đô Cairo, sẽ có thêm 2 trung tâm tại Đại học Ain Shams ở Cairo và Đại học Alexandria, với hơn 1.280 người hiện đang trong danh sách chờ để đăng ký lớp học.

Uzbekistan nơi đã có 7 Viện Sejong, đã mở thêm một trung tâm nữa do nhu cầu ngày càng tăng đối với kỳ thi năng lực tiếng Hàn (TOPIK). Tính đến năm ngoái, hơn 12.000 sinh viên từ Uzbekistan đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng ở Hàn Quốc.

Năm nay, có tổng cộng 94 tổ chức tại 43 quốc gia trên thế giới nộp đơn xin thành lập Viện Sejong. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu đối với giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh văn hóa đại chúng Hàn Quốc đang lan rộng nhờ làn sóng Hàn Quốc (Hallyu).

Tài trợ các chương trình giáo dục tiếng Hàn trên toàn thế giới

"Viện King Sejong là tuyến đầu trong việc giới thiệu ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc ra thế giới", Koreatimes dẫn lời Giám đốc chính sách văn hóa tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lee Jeong-mi.

Học viện King Sejong là một tổ chức do Chính phủ Hàn Quốc thành lập hồi năm 2007 nhằm khuyến khích việc học tiếng Hàn trên toàn thế giới với 13 trung tâm và 740 học viên, đến nay đã phục vụ hơn 210.000 học viên trên toàn cầu, thông qua cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Theo Koreatimes, việc ra mắt Quỹ Viện King Sejong vào năm 2012 đã tạo điều kiện cho việc mở rộng có hệ thống hơn, phát triển chuyên môn cho giáo viên và hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức địa phương. Quỹ này điều hành chương trình trên thông qua việc tài trợ cho các chương trình giáo dục tiếng Hàn trên toàn thế giới, bao gồm chương trình do các trường đại học điều hành.

Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng số lượng Viện Sejong trên toàn thế giới lên 350 viện vào năm 2030.

Quảng bá văn hóa truyền thống

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc hồi tháng 4 cho biết, trong năm nay, 26 Trung tâm văn hóa Hàn Quốc (KCC) ở nước ngoài sẽ tổ chức các sự kiện nhằm giới thiệu và nâng cao nhận thức của khán giả địa phương về văn hóa truyền thống Hàn Quốc.

Trong năm 2025, các KCC sẽ triển khai hàng loạt chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, triển lãm thủ công, lớp học nấu ăn, biểu diễn múa mặt nạ talchum, âm nhạc gukak, trình diễn hanbok tại hơn 20 quốc gia từ Mỹ, châu Âu đến Đông Nam Á và châu Phi.

Chiến lược quảng bá văn hóa truyền thống không chỉ hướng đến mục tiêu xây dựng hình ảnh quốc gia mà còn là cách để Hàn Quốc củng cố thương hiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm văn hóa trong tương lai.

Theo báo cáo của Viện Hyundai Research, mỗi 1 USD đầu tư vào quảng bá văn hóa truyền thống có thể tạo ra giá trị lan tỏa tương đương 4-5 USD, bao gồm hiệu quả truyền thông, gia tăng nhận diện thương hiệu quốc gia và thúc đẩy tiêu dùng văn hóa. 

Ngoài ra, việc đẩy mạnh truyền thông văn hóa còn giúp tăng doanh thu trong các lĩnh vực liên quan như xuất khẩu hàng hóa, du lịch và dịch vụ sáng tạo. 

Theo bảng xếp hạng Anholt-Ipsos Nation Brands Index 2023, yếu tố văn hóa Hàn Quốc chiếm tới 27% tổng giá trị thương hiệu quốc gia, chỉ sau khoa học - công nghệ./.