Theo nguồn tin trên, Hải quân Hàn Quốc đã giao nhiệm vụ cho một viện nghiên cứu tư nhân tìm cách thức để dỡ bỏ các hạn chế quốc tế trong việc chế tạo một tàu ngầm hạt nhân và báo cáo kết quả sớm nhất trong năm nay.
Dựa vào kết quả nghiên cứu này, chính phủ và quân đội sẽ quyết định liệu có tiến hành chế tạo một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hay không.
Động thái trên được đưa ra sau khi Triều Tiên đã liên tiếp đạt tiến bộ trong chương trình vũ khí của mình bằng việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và phóng thử 2 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Các tên lửa SLBM của Triều Tiên có thể đặt ra một nguy cơ nghiêm trọng vì loại này khó phát hiện và khi được phóng đi thì khó ứng phó hiệu quả và kịp thời.
Một nguồn tin cho biết nhiều chuyên gia Hàn Quốc thấy rằng nước này cần chế tạo một tàu ngầm hạt nhân để đối phó tốt hơn với mối đe dọa của Triều Tiên.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các giới chức chính phủ và các chính khách, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo về việc này.
Tuy nhiên, kế hoạch trên có thể vấp phải một số hạn chế, đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Hàn hay chính sách không sử dụng năng lượng hạt nhân của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Quân đội Hàn Quốc hiện có khả năng chế tạo một lò phản ứng hạt nhân nhỏ cho một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, song vấn đề nằm ở chỗ cần đảm bảo lượng urani đã được làm giàu để sử dụng làm nhiên liệu vận hành chiếc tàu này.
Một thỏa thuận năng lượng hạt nhân năm 2015 giữa Hàn Quốc với Mỹ cho phép Seoul làm giàu urani ở cấp độ thấp hơn mức có thể dùng làm nhiên liệu.
Các chuyên gia nhận định vì thỏa thuận trên, Washington sẽ không đồng ý để Seoul hướng tới việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân.
Tuy nhiên, chuyên gia Moon Keun-sik cho biết Hàn Quốc có thể mua urani được làm giàu ở cấp độ 20% trên thị trường quốc tế./.