In bài viết

Hàn-Triều ngừng các hoạt động đối đầu tại biên giới

(Chinhphu.vn) - Theo Yonhap, ngày 25/8, Hàn Quốc đã ngừng các buổi phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên dọc tuyến biên giới giữa hai nước, đồng thời phía Triều Tiên cũng dỡ bỏ tình trạng bán chiến tranh đối với các lực lượng của họ theo một thỏa thuận hiếm hoi vừa đạt được vào sáng cùng ngày.

25/08/2015 15:40
Hai bên đã đạt được thỏa thuận vào sáng 25/8. Ảnh: AP

Hãng Yonhap còn dẫn lời Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok rằng bắt đầu từ ngày 25/8, theo dự kiến Triều Tiên sẽ rút các binh sỹ và vũ khí đã được triển khai tới tiền tuyến, trong khi Hàn Quốc cũng sẽ giảm cấp độ báo động quân sự tương ứng.

Tuy nhiên, quan chức này cho biết Seoul sẽ không tháo dỡ các hệ thống loa này tại khu vực biên giới vì đây không phải là một phần của thỏa thuận vừa đạt được và vẫn tiếp tục thực hiện hai cuộc tập trận quân sự chung thường niên với Mỹ, trong đó có cuộc tập trận mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi”. 

Cũng theo Yonhap, nhiều nhà quan sát cho rằng thỏa thuận vừa đạt được giữa hai miền Triều Tiên là bước khởi đầu trong một chương mới trong mối quan hệ liên Triều sau nhiều năm căng thẳng. 

Theo các chuyên gia phân tích, thỏa thuận trên bao gồm tất cả những điểm chính mà hai bên mong muốn, đó là việc Triều Tiên bày tỏ lấy làm tiếc về vụ nổ mìn và Hàn Quốc cam kết ngừng các buổi phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng. 

Các nhà quan sát cho rằng việc Triều Tiên bày tỏ lấy làm tiếc là một động thái hiếm hoi trong những năm gần đây, đồng thời nhận xét rằng thỏa thuận vừa đạt được thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc chấm dứt sự đối kháng, trong khi nỗ lực thiết lập một khuôn khổ mới cho mối quan hệ liên Triều. 

Giáo sư Kim Yong-hyun, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Trường Đại học Dongguk (Hàn Quốc), nói: “Hai nhà lãnh đạo về thực chất đã tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh gián tiếp thông qua các đại diện của mình. Đây là cuộc họp giữa những trợ lý thân cận nhất của Tổng thống Park Geun-hye và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, những người có thể truyền đạt một cách rõ ràng ý tưởng của các lãnh đạo”. 

Giáo sư Kim cho rằng đối với bà Park Geun-hye, thỏa thuận mới này có thể là chiếc chìa khóa giúp bà giải quyết các vấn đề liên Triều trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, còn đối với ông Kim Jong Un, đây có thể là điểm xuất phát của một chính sách mới đối với Seoul. 

Còn Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Trường đại học Nghiên cứu Triều Tiên được dẫn lời nói: “Nếu hai chính phủ dần xây dựng được lòng tin, người ta không thể loại bỏ khả năng điều này sẽ dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3”. Hai miền Triều Tiên đã tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh vào các năm 2000 và 2007. 

Tuy nhiên, ngoài những ý kiến lạc quan cũng còn một số ý kiến cho rằng nhiều vấn đề cốt lõi giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Nhà nghiên cứu cao cấp về các vấn đề thống nhất và hòa bình Jang Yong-seok thuộc Trường Đại học Quốc gia Seoul nhận định: “Thỏa thuận tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên có thể được coi là một bước tiến bộ, nhưng vấn đề cốt lõi là chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa hề được thảo luận”.

Nguyễn Thơ