In bài viết

Hàng hóa, dịch vụ nào phải kê khai giá?

(Chinhphu.vn) - Thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 06 tuổi, trang thiết bị y tế; đường ăn bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; muối ăn; xi măng, thép xây dựng; than… là những hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.

06/12/2023 17:26
Hàng hóa, dịch vụ nào phải kê khai giá?- Ảnh 1.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá.

Dự thảo đề xuất rõ các loại hàng hóa, dịch vụ kê khai giá. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá thực hiện trên phạm vi cả nước bao gồm:

a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá;

b) Hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu để các tổ chức, cá nhân định mức giá cụ thể bán cho người tiêu dùng;

c) Hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu;

d) Xi măng, thép xây dựng;

đ) Than;

e) Thuốc thú y để tiêu độc, sát trùng, tẩy trùng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

g) Đường ăn bao gồm đường trắng và đường tinh luyện;

h) Muối ăn;

i) Dịch vụ tại cảng biển khác ngoài hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá;

k) Dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng, ghế ngồi mềm;

l) Thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 06 tuổi, trang thiết bị y tế;

m) Etanol nhiên liệu không biến tính;

n) Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG); khí thiên nhiên nén (CNG).

0) Dịch vụ viễn thông;

Theo dự thảo, hàng hóa, dịch vụ đặc thù thực hiện kê khai giá tại địa phương (nếu cần thiết) gồm:

a) Dịch vụ lưu trú;

b) Dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước;

c) Dịch vụ tham quan tại khu du lịch trên địa bàn (vé vào cổng);

d) Vật liệu xây dựng (trừ xi măng, thép).

đ)….

[Đối với nội dung này, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đánh giá, rà soát, đề xuất các hàng hóa, dịch vụ cần thiết thực hiện kê khai giá tại địa bàn để làm cơ sở cho Ban soạn thảo tổng hợp. Nội dung đề xuất đề nghị kèm theo đánh giá cụ thể về tình hình thực hiện và đề nghị cụ thể].

Điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá

Căn cứ vào tình hình thực tế, trên cơ sở đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trường hợp cần điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá thuộc thẩm quyền của Chính phủ ban hành tại điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá theo trình tự, thủ tục như sau:

Trường hợp cần bổ sung hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng kết, đánh giá cơ chế hiện hành đối với hàng hóa, dịch vụ; đánh giá sự cần thiết và tác động của việc đưa hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; lấy ý kiến các đơn vị chịu tác động; triển khai các hoạt động hội nghị, hội thảo, đánh giá kinh nghiệm nước ngoài (nếu có); sau đó gửi hồ sơ đề nghị điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá cho Bộ Tài chính tổng hợp.

Trường hợp cần đưa hàng hóa, dịch vụ ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng kết, đánh giá việc thực hiện biện pháp kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ; đánh giá về thị trường của hàng hóa, dịch vụ; dự kiến cơ chế quản lý (nếu có) đối với hàng hóa, dịch vụ đó sau khi đưa ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá; đánh giá tác động của việc đưa hàng hóa, dịch vụ ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá; lấy ý kiến các đơn vị chịu tác động; triển khai các hoạt động hội nghị, hội thảo, đánh giá kinh nghiệm nước ngoài (nếu có); sau đó gửi hồ sơ đề nghị điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá cho Bộ Tài chính tổng hợp.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương