Trong bài viết "Parliament adopts new law to fight global deforestation" (tạm dịch: Nghị viện thông qua luật mới để chống nạn phá rừng toàn cầu) trên trang tin của EP (europarl.europa.eu) cho hay các sản phẩm chịu sự điều chỉnh của luật mới là: Thịt gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ (kể cả các sản phẩm có chứa, được nuôi bằng hoặc đã được tạo ra từ những sản phẩm nói trên chẳng hạn như da, sô cô la, đồ nội thất), giấy in, cao su, than củi từ các nước trên thế giới.
Các sản phẩm thuộc nhóm hàng hóa nêu trên nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU.
EP cho biết để chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học, luật mới bắt buộc các công ty phải đảm bảo các sản phẩm được bán ở Liên minh châu Âu (EU) không dẫn đến nạn phá rừng và làm suy thoái rừng.
Mặc dù luật không nhằm vào quốc gia nào nhưng các công ty sẽ chỉ được phép bán sản phẩm ở EU nếu nhà cung cấp đưa ra tuyên bố xác nhận sản phẩm không đến từ vùng đất bị phá rừng hoặc đã dẫn đến suy thoái rừng, kể cả rừng nguyên sinh không thể thay thế, sau ngày 31/12/2020.
Theo yêu cầu của EP, các công ty cũng sẽ phải xác minh sản phẩm của mình tuân thủ luật pháp liên quan của quốc gia sản xuất, bao gồm cả quyền con người và quyền của người dân bản địa bị ảnh hưởng.
Nhà chức trách EU sẽ thực hiện các quy trình kiểm tra tùy theo xếp hạng mức độ nguy cơ vi phạm của quốc gia xuất khẩu. Các công ty vi phạm sẽ bị phạt nặng, với mức phạt lên tới 4% doanh thu thường niên tại 1 nước thành viên EU.
Trang tin của EP dẫn thông tin từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho hay từ năm 1990-2020, có tới 420 triệu ha (lớn hơn diện tích EU) đã được chuyển đổi từ đất rừng sang mục đích nông nghiệp. Mức tiêu thụ (các sản phẩm liên quan) của EU chiếm khoảng 10% lượng rừng bị phá trên toàn cầu, trong đó, dầu cọ và đậu nành chiếm 2/3 số này./.