In bài viết

Hàng loạt cây xanh trăm tuổi bật gốc; nhà sập đổ, tốc mái; thuyền chìm

(Chinhphu.vn) - Do ảnh hưởng của bão số 13, nhiều địa phương ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị thiệt hại khi có nhiều nhà dân tốc mái, cây xanh gãy đổ.

15/11/2020 12:00

Bão số 13 đã bắt đầu đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ 20 giờ ngày 14/11 kéo dài đến khoảng 4 giờ ngày 15/11, với sức gió cấp 6, cấp 8, giật cấp 11.

Thời gian bão số 13 giật cấp 11 liên tục trong khoảng thời gian từ 0 giờ đến 4 giờ ngày 15/11.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến khoảng 6 giờ ngày 15/11, thành phố Huế đã không còn có gió mạnh, tuy nhiên tại khu vực huyện Phong Điền vẫn đang có gió lớn do ảnh hưởng của bão số 13.

Trong sáng 15/11, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, lực lượng Công an các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Công an TP Huế… đã huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Công an cơ sở giúp người dân khắc phục hậu quả do bão số 13 gây ra.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, đến 5h sáng cùng ngày, mực nước sông Hương tại Kim Long trên báo động 2 là 0,33m; sông Bồ tại Phú Ốc trên báo động 2 là 0,39 m.

Mực nước các hồ tại hồ Hương Điền 54,69m (MNDBT 58m), lưu lượng đến hồ 794m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 794m3/s; hồ thủy điện Bình Điền 80,58m (MNDBT 85m), lưu lượng đến hồ 613m3/s; lưu lượng điều tiết về hạ du 789m3/s; hồ Tả Trạch 42,79m (MNDBT 45m), lưu lượng đến hồ 898m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 514m3/s.

Hiện vẫn chưa có thống kê thiệt hại cụ thể do bão số 13 gây ra ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phát biểu kết luận cuộc họp Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sáng nay (15/11), ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu các bộ ngành, địa phương:

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão để kịp thời chủ động ứng phó sau bão.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai đặc biệt là bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất khi có yêu cầu

Kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê biển nhất là các hồ chứa xung yếu, đã đầy nước, các khu vực trọng điểm đê điều; tiếp tục tổ chức vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và chủ động cắt lũ cho hạ du

Kiểm tra, điều tiết giao thông đảm bảo an toàn về người và phương tiện trong thời gian bão đổ bộ và mưa, lũ sau bão. Đồng thời, đảm bảo an ninh trật tự tại những khu vực sơ tán dân đi và đến./.