Đánh giá vai trò Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, từ khi thị trường BĐS lâm vào khó khăn ở thời điểm cuối năm 2022, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực vào cuộc để triển khai tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường.
Trong đó, việc thành lập Tổ công tác về rà soát, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án BĐS là một trong những động thái quan trọng hàng đầu.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, những kết quả mà Tổ công tác đạt được rất đáng ghi nhận. Rất nhiều văn bản kiến nghị đã được xử lý, nhiều dự án với các "nút thắt" tồn tại hàng chục năm qua đã được gỡ bỏ. Điều này giúp thị trường BĐS ghi nhận một lượng lớn dự án được tái khởi động.
Đồng tình với nhận định này TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhấn mạnh, Bộ Xây dựng nói riêng và Tổ công tác của Thủ tướng nói chung đã thể hiện một vai trò rất lớn trong việc đồng hành, gỡ khó cho thị trường BĐS, suốt thời gian qua.
Ông Đính cho biết, đây không phải là lần đầu Nhà nước can thiệp, điều tiết thị BĐS. Tuy nhiên, cuộc suy giảm hiện nay khác rất nhiều so với những cuộc suy giảm trước và cách mà Chính phủ "giải cứu" cũng khác lạ so với trước.
"Mọi động thái của Chính phủ đều quyết liệt, rốt ráo, dồn dập. Các bộ, ngành cũng chủ động vào cuộc, trong đó, Bộ Xây dựng là đơn vị tham gia với nhiều trọng trách nặng nề. Không chỉ là Bộ có vai trò nòng cốt trong Tổ công tác của Thủ tướng mà còn là cơ quan soạn thảo 2 luật quan trọng gồm Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Bộ Xây dựng cũng là đơn vị đề xuất và triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội", Phó Chủ tịch VNREA nêu rõ.
Theo đó, Bộ Xây dựng với vai trò Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS đã tích cực chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện.
Cụ thể, Tổ công tác đã làm việc lần lượt các địa phương, bao gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định (trong đó có một số địa phương Tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc làm việc) và một số doanh nghiệp BĐS để nghe báo cáo, nắm thông tin, trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn dự án.
Sau các buổi làm việc, Tổ công tác đã ban hành các Thông báo kết luận đối với từng địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, tạo cơ sở, căn cứ cho các địa phương có hướng giải quyết vướng mắc.
Kết quả, trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm nay, Tổ công tác đã xem xét, xử lý 146 văn bản kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến hơn 191 dự án BĐS.
Riêng tại TPHCM, Bộ Xây dựng cho biết đã có khoảng 77 dự án BĐS được gỡ vướng và 143 dự án đang tiếp tục được Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ.
Tại Hà Nội, thành phố đã có 404 dự án được rà soát, phân loại khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có 81 dự án được Hà Nội đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án được kéo dài thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng do nguyên nhân khách quan. Hiện Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành.
Tương tự trong thời gian qua, Hải Phòng đã gỡ vướng cho 11 dự án, Cần Thơ đã gỡ vướng cho 17 dự án. Tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho 26 dự án, trong đó có 19 dự án khu đô thị, 7 dự án nhà ở xã hội.
Việc đi đến từng địa phương, từng dự án để hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc của Tổ công tác cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang quyết liệt đồng hành, "giải cứu" thị trường BĐS. Đó là sự quyết tâm cao độ để thị trường tránh rơi vào tình trạng đổ vỡ hàng loạt, ảnh hưởng đến sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Chính vì vậy, đây cũng được đánh giá là cuộc giải cứu đặc biệt chưa từng có trong lịch sử phát triển ngành BĐS Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS , những tháng đầu năm 2024, khi nhiều dự án lớn được tháo gỡ vướng mắc pháp lý, niềm tin của các chủ thể tham gia thị trường BĐS được củng cố.
Cùng với những tín hiệu tốt về công tác hoàn thiện thể chế, thị trường BĐS đã nhìn thấy những chuyển động tích cực với nhiều dự án ra hàng, nhu cầu đầu tư gia tăng trở lại. Với những tín hiệu khởi sắc đang xuất hiện, thị trường BĐS được đánh giá cơ bản đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất.
Trong quý I/2024, kết quả phục hồi của thị trường BĐS đã rõ nét hơn, được thể hiện cụ thể qua những con số về nguồn cung các sản phẩm và giao dịch trên thị trường.
Cụ thể về nguồn cung, theo số liệu mới công bố của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý I/2024 có khoảng 30.511 sản phẩm được tung ra thị trường. Trong đó có hơn 4.626 sản phẩm mới, lần đầu tiên ra mắt.
Về giao dịch, có khoảng 6.360 giao dịch. Tăng 10% so với quý IV/2023 và gấp đôi cùng kỳ năm 2023.Tỷ lệ hấp thụ đạt 21%, tăng 4 điểm% so với quý IV/2023, gấp gần 3 lần so với quý I/2023. Trong đó, các dự án mới hoàn toàn đạt tỷ lệ hấp thụ lên tới 51%.
Toàn Thắng