Từ 7h00-13h00 hôm nay (26/7), Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được cử hành trọng thể tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
Từ 18h ngày 25/7, người dân được tạo điều kiện vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hàng dài người dân đã xếp hàng tại các địa điểm. Tất cả đều dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những tình cảm chân thành, sâu đậm nhất.
Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ 7h đến 19h30 phút ngày 25/7, có 1.565 đoàn (với khoảng 55.600 lượt người) là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống nhất (TPHCM) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
Ban tổ chức lễ Quốc tang ở xã Đông Hội cho biết tính đến khoảng 21h ngày 25/7, Ban tổ chức đăng ký cho hơn 36.000 lượt người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại điểm viếng ở Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Tại TPHCM, tối muộn, hàng nghìn người dân vẫn xếp hàng dài tại dinh Thống Nhất để vào viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Người dân khi đến viếng sẽ xếp hàng từ khu vực cổng dinh Thống Nhất vào tới trong. Đoạn đường này dài gần 1 km, nhưng tất cả đều trật tự xếp hai hàng, chờ đợi tới lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cũng theo Ban tổ chức lễ tang, ngày hôm nay đã tiếp nhận hơn 40.000 lượt người đăng ký viếng.
Tại khu vực Nhà tang lễ Quốc gia - Hà Nội, tới 22h đêm 25/7, dòng người vẫn xếp hàng trật tự kín đường Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ, trong đó có rất nhiều bạn trẻ.
Xung quanh nhà tang lễ, nhiều con đường cũng trở nên chật kín, dòng người xếp hàng nối dài từ đường Phạm Đình Hổ lên tới ngã tư phố Lò Đúc-Nguyễn Công Trứ.
Nhiều người chuẩn bị trên tay căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VNeID, sẵn sàng cho việc kiểm tra an ninh.
Từ sáng sớm 26/7, hàng nghìn người dân đã xếp hàng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Tang lễ Quốc gia, trong đó có nhiều người đã chờ từ tối qua.
Trong hàng dài những người chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có rất đông người tuổi cao, bước chân không còn vững, phải chống gậy nhưng vẫn muốn tới tận nơi để bày tỏ lòng thành kính và niềm tiếc thương với Tổng Bí thư.
Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Phạm Bá Trường (84 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) vẫn cùng với em họ là Tạ Đức Trọng đi từ sáng sớm đến Nhà tang lễ Quốc gia để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khắc sâu trong tâm trí các ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, vô cùng giản dị, cả cuộc đời vì dân, vì nước.
Không thể trực tiếp tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhà tang lễ song ông Nguyễn Lang Chư (cán bộ hưu trí, sinh năm 1933, 60 năm tuổi Đảng, tại Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) vẫn theo dõi từng diễn biến của Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong tâm trí của ông Nguyễn Lang Chư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người lãnh đạo có tầm, có tâm, rất uyên bác và trí tuệ; cả cuộc đời tận tụy, cống hiến cho Đảng, cho dân tộc, đất nước; sống thanh bạch, liêm chính; là hình mẫu về phong cách giản dị, gần dân, sát dân; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Sáng 26/7, cô giáo Đặng Thị Phúc - cô giáo dạy lớp 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nghẹn ngào đến Nhà tang lễ Quốc gia viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ở tuổi 92, cô giáo Đặng Thị Phúc ngồi trên xe lăn, mặc chiếc áo màu đen, tay cầm chiếc khăn liên tục lau nước mắt. Dù đã tuổi cao, nhưng hình ảnh cậu học trò lớp 4 Nguyễn Phú Trọng vẫn in đậm trong tâm trí cô Phúc.
Những ký ức năm xưa về người học trò đặc biệt Nguyễn Phú Trọng với mái tóc để chéo, nước da trắng, suốt năm học chỉ mặc duy nhất một bộ quần áo nâu với áo bà ba xẻ tà, cổ cao, có hai túi hai bên vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của cô giáo Phúc.
Lớp có 48 học sinh nhưng cô Phúc ấn tượng đặc biệt với người học trò Nguyễn Phú Trọng vì nhỏ tuổi nhất nhưng học giỏi nhất, chăm chỉ phát biểu xây dựng bài.
“Nhà trò Trọng nghèo, ăn khoai, ăn sắn, quanh năm đi chân đất, suốt đông cũng như hè, chỉ có duy nhất một bộ quần áo nâu, đến chiếc áo rách để mặc độn bên trong những khi mùa đông giá rét cũng không có”, cô Phúc từng chia sẻ về Tổng Bí thư.
Nhiều bạn trẻ cho biết "đưa bố mẹ đi viếng bác Trọng", trong số đó có nhiều cô bác ít khi ra khỏi làng. Không hẹn nhưng sáng nay họ cùng tìm tới Nhà tang lễ Quốc gia để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không chỉ như một nghĩa cử với một nhà lãnh đạo đất nước đã đi xa mà còn như với một người thân trong gia đình.
Nhật Nam