Hàng trăm nghìn người đưa tiễn Giáo hoàng Francis về nơi an nghỉ - Ảnh: Reuters
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Thánh lễ tang của Giáo hoàng Francis được tổ chức trên các bậc thang của Vương cung thánh đường Thánh Peter, một trong những địa điểm quan trọng nhất của Giáo hội Công giáo, với sự hiện diện của hơn 50 nhà lãnh đạo thế giới và hơn 10 quốc vương.
Trong số các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Thánh lễ tang có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Argentina Javier Milei, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., người đứng đầu quốc gia Công giáo lớn nhất châu Á. Loạt khách đặc biệt, bao gồm những người tị nạn, tù nhân, người chuyển giới và những người vô gia cư, cũng được mời tham dự tang lễ của Giáo hoàng Francis.
Do Giáo hoàng Francis đã đơn giản hóa và điều chỉnh các thủ tục tang lễ nên sau thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Peter, chiếc quan tài bằng gỗ đơn giản của Ngài được di chuyển chậm rãi qua trung tâm thủ đô Rome, ngang qua các di tích quan trọng bao gồm Quảng trường Venezia và Đấu trường La Mã, để đến Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore.
Ảnh: Reuters
Giáo hoàng Francis là vị giáo hoàng của nhiều thứ lần đầu tiên. Ngài là Giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Latinh, Giáo hoàng đầu tiên của dòng Tên, Giáo hoàng hiện đại đầu tiên sinh ra bên ngoài châu Âu và cũng là Giáo hoàng đầu tiên sau hơn 3 thế kỷ được chôn cất tại Nhà thờ Santa Maria Maggiore.
Theo yêu cầu trong di chúc cuối cùng của Giáo hoàng, ngôi mộ bằng đá hoa cương không được trang trí và chỉ được khắc tên của Giáo hoàng bằng tiếng Latinh là Franciscus. Mọi người có thể đến thăm mộ từ sáng 27/4.
Giáo hoàng Francis là một nhà cải cách năng nổ, người đã bảo vệ những người bên lề xã hội, những người dễ bị tổn thương, những người thiệt thòi và những người di cư, đồng thời tạo ra một số thay đổi tích cực trong Giáo hội trong 12 năm qua. Những người có mặt tại lễ tang Giáo hoàng Francis đều nói rằng họ tự hào về Ngài.