In bài viết

Hàng Việt với giới trẻ

Khác với giới trung niên hay những người chủ gia đình có thói quen mua sắm cân nhắc, kỹ lưỡng, giới trẻ (ở độ tuổi dưới 30) khá "chịu chi" cho các nhu cầu cá nhân, như: quần áo, giày dép..., đồng thời cũng không ngại những thử nghiệm mới đối với nhóm hàng thực phẩm, đồ gia dụng... Chính vì vậy, thu hút giới trẻ là điều nhiều nhà sản xuất hàng Việt Nam quan tâm.

16/03/2011 16:22
* Hàng nội được ưa chuộng hơn Chọn mua hàng trong một shop thời trang trên đường Phạm Văn Thuận, TP. Biên Hòa. Thời gian gần đây, hàng loạt các nhãn hàng thời trang trong nước đã xây dựng chiến lược mở rộng phân khúc thị trường nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ. Tại TP. Biên Hòa, thời trang Việt dành cho giới trẻ có thể kể đến hàng loạt nhãn hiệu như Blue - Exchange, Nino Maxx, PT 2000, Ha Gatini, FOCI, Block, Marc, Vera... và ngày càng tạo được chỗ đứng trên thị trường. Thông qua hệ thống cửa hàng bài trí đẹp, chuyên nghiệp và ở những vị trí khá đắc địa như trung tâm thương mại lớn hay mặt tiền các đường phố chính, thời trang thương hiệu Việt dễ "lấy lòng" người trẻ - vốn xem trọng các yếu tố hình thức, tính sành điệu, chuyên nghiệp... Phan Thị Thanh Trà, 23 tuổi, nhân viên một ngân hàng TMCP ở TP.Biên Hòa, nhận xét: "Thực ra đối với giới trẻ, chất lượng vải hay sự chỉn chu trong đường kim mũi chỉ không quá quan trọng mà yếu tố mẫu mã quyết định nhiều hơn. Ngoài ra, sự trưng bày hàng hóa, không gian mua sắm cũng là những điểm thu hút giới trẻ. Trước đây, mình thường mua hàng Thái Lan, Trung Quốc trong các shop thời trang trẻ, nhưng gần đây cũng hay chọn mua hàng của Ha Gatini hay PT2000 để mặc hoặc làm quà tặng". Ông Lâm Quang Hưng, Giám đốc siêu thị Vinatex Mart Biên Hòa 2, nhận định: "Vinatex vốn có thế mạnh ở các mặt hàng thời trang trung niên ở độ tuổi từ 30 trở lên, song khoảng vài năm nay, giới trẻ từ 20 - 30 tuổi đến mua sắm ngày càng nhiều hơn và xét về doanh số, thời trang trẻ hiện cũng đã ở mức "một tám một mười" so với hàng thời trang trung niên". Tương tự, các mặt hàng tiêu dùng khác như nước giải khát, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng văn phòng... do các DN Việt Nam sản xuất cũng được giới trẻ quan tâm hơn. Những nhãn hàng quen thuộc như trà xanh Không độ, Vissan, Vinamilk, Trung Nguyên, Vinamit, Vinacafé, Bibica, Kinh Đô, Thiên Long, Vĩnh Tiến... cũng có không ít khách hàng là giới trẻ, cạnh tranh quyết liệt với những thương hiệu ngoại nhập đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan. * Còn đó tâm lý "sính ngoại" Hàng Việt tuy đã thu hút tương đối đông khách hàng giới trẻ, song nhìn chung, tâm lý sính ngoại vẫn còn khá phổ biến ở những người trẻ tuổi dưới 30. Thời trang dành cho giới trẻ đang là phân khúc có sức mua lớn nhất hiện nay, cũng là mảng thời trang bị cạnh tranh dữ dội nhất từ hàng ngoại nhập, chủ yếu là hàng Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông... Đa số các cửa hàng thời trang nhỏ lẻ khi được hỏi đều cho biết, phần lớn các mặt hàng bày bán đều là hàng xuất xứ từ những quốc gia và vùng lãnh thổ kể trên với ưu điểm lớn nhất là độ cập nhật mẫu mã rất nhanh, phù hợp thị hiếu giới trẻ. Bên cạnh đó là nguồn cung dồi dào, tỷ lệ lợi nhuận cho người bán cao... "Ngoài ra, cũng không hiếm các bạn trẻ sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng để mua một chiếc áo, cái giỏ xách hay lọ nước hoa... với những thương hiệu nổi tiếng được xách tay từ nước ngoài về, dù chưa chắc đã biết được giá trị cũng như xuất xứ thực sự của món hàng. Thị trường hiện cũng có nhiều nơi sẵn sàng phục vụ nhu cầu đó" - chị Thanh Dung, quản lý một shop thời trang khá đắt khách trên đường Phạm Văn Thuận cho biết. Ông Lâm Quang Hưng cũng thừa nhận, hàng Việt Nam tuy đã có rất nhiều nhãn hiệu bắt kịp xu thế thị trường, bước đầu mời gọi được giới trẻ đến mua sắm, song với độ tuổi trên dưới 20, thị trường chủ yếu vẫn dành cho hàng ngoại. "Rất nhiều thương hiệu muốn trẻ hóa khách hàng của mình, bởi giới trẻ ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho nhu cầu cá nhân mà ít so đo, tính toán, nhưng phải thừa nhận, với những khách hàng độ tuổi trên dưới 20, thời trang Việt chưa thực sự thu hút. Nguyên nhân là do các mặt hàng Trung Quốc, Thái Lan rất nhạy cảm với xu hướng, mẫu mã mới và cập nhật nhanh, trong khi DN trong nước phải thông qua quy trình thiết kế, lên khuôn, sản xuất hàng loạt... nên đáp ứng chậm và thiếu đa dạng hơn" - ông Hưng phân tích. Theo Báo Đồng Nai