Năm 2022, Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á, nền kinh tế phục hồi ở hầu hết các lĩnh vực, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát... thành quả này củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài về sự ổn định của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Nhiều tổ chức tài chính và chuyên gia quốc tế cho rằng, sở dĩ Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh nguy cơ suy thoái toàn cầu là nhờ những chính sách điều hành kinh tế hiệu quả sau đại dịch COVID-19, nhất là việc kiểm soát tốt dịch bệnh để doanh nghiệp khôi phục hoạt động.
Các nhà đầu tư đã có phản hồi tích cực, minh chứng qua con số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm vừa qua và điều này tiếp tục giúp duy trì sức cạnh tranh cao của nền kinh tế.
Các nhà đầu tư nước ngoài từ 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đã "rót" gần 28 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư hơn 4,78 tỷ USD.
Kết quả khảo sát "Thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài năm 2022 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện cho thấy, 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh. Đây là mức cao nhất trong khu vực ASEAN.
Báo cáo của JETRO cũng cho thấy, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản chỉ tăng trưởng 3% trong năm 2021 và giảm đến 49% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ. Nhưng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tăng ấn tượng, tăng trên 59% trong năm 2021 và trên 45% trong năm 2022.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Nagaoka Taketoshi, ngoài các ưu điểm về vị trí thuận lợi, chính sách ưu đãi thì Việt Nam vẫn duy trì được thế mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí cho thuê thấp. Do vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Các giải pháp kiểm soát vĩ mô, giữ ổn định nền kinh tế và tăng trưởng cao trong năm 2022 đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp Nhật Bản.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều khó khăn và dòng vốn đầu tư toàn cầu khó có thể tăng so với các năm trước đó. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xem là điểm đầu tư hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là trong bối cảnh các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, dịch chuyển đầu tư.
Kết quả mới nhất của Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) do EuroCham công bố cho thấy, 41% số người được hỏi cho biết công ty của họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam. Con số này tăng gấp hơn ba lần so với kết quả 13% trong quý III/2022. Ngoài ra, khoảng 35% số người được hỏi cho rằng Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, với 12% cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư quốc tế hàng đầu của công ty họ.
Bình luận về kết quả BCI, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho rằng, mặc dù tình hình khó khăn có thể sẽ tiếp tục vào năm 2023 nhưng cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều thành viên của EuroCham coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu.
Có thể kể đến Tập đoàn Sanofi của Pháp, công ty dược phẩm đa quốc gia duy nhất có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Trung tâm nghiên cứu và phát triển duy nhất ở Đông Nam Á của hãng dược này cũng đặt tại Việt Nam.
Đánh giá về tiềm năng phát triển ngành dược của Việt Nam, ông Emin Turan, Tổng Giám đốc Sanofi Việt Nam nhận định, chỉ tính riêng ngành dược phẩm phát minh (biệt dược gốc) ước tính đã đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP của Việt Nam năm 2021, cùng với tốc độ tăng trưởng hàng năm có thể lên đến 10% trong thời gian tới. Những con này cho thấy việc đầu tư vào thị trường Việt Nam, trong đó có ngành dược phẩm đang có triển vọng tích cực.
Tương tự, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) là nhà máy non trẻ nhất của Datalogic S.p.A - Tập đoàn chuyên sản xuất máy đọc mã vạch lớn trên thế giới, nhưng đến nay đã trở thành nhà máy chủ lực của nhà đầu tư đến từ Italy. Đây cũng là nhà máy duy nhất ở châu Á của Tập đoàn Datalogic.
Ông Đặng Văn Chung, Tổng Giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam, cho biết: "Dù đưa vào hoạt động muộn, nhưng nhà máy ở Khu công nghệ cao TPHCM giờ đây chiếm gần 70% tổng sản phẩm của Datalogic trên toàn cầu, cho thấy Tập đoàn xem Việt Nam là điểm sản xuất chính cũng như đánh giá cao môi trường đầu tư".
Cũng theo ông Chung, Datalogic đã chuyển giao nhiều dây chuyền sản xuất công nghệ cao từ Italy, Mỹ về Datalogic Việt Nam, đồng thời đầu tư các dây chuyền lắp ráp bo mạch điện tử cung cấp trực tiếp cho việc sản xuất máy đọc mã vạch thế hệ mới.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany trong bài chia sẻ với Forbes Vietnam đã nói rằng, một ưu điểm khiến Việt Nam hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài là tinh thần đối thoại cởi mở của Chính phủ với doanh nghiệp. Điều này biểu hiện từ việc Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do.
"Một tiến bộ rất lớn là chúng tôi được tiếp cận nhiều dự thảo luật trước khi Chính phủ trình Quốc hội. Nhất là các dự thảo liên quan đến kinh tế thì EuroCham và các Hiệp hội được tham vấn ý kiến đến 3-4 lần để hoàn thiện văn bản", ông Alain Cany cho rằng đây là sự tiến bộ trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý của Việt Nam.
Cùng quan điểm, ông Emin Turan đánh giá rất cao và trân trọng nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp và có những buổi thảo luận song phương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư lâu dài lại Việt Nam. "Chúng tôi hy vọng với những nỗ lực của Chính phủ như hiện nay sẽ giúp cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty dược phẩm toàn cầu đang tìm cách tận dụng tiềm năng tăng trưởng của những thị trường đang phát triển như Việt Nam", ông Emin Turan chia sẻ.
Ông Emin Turan kỳ vọng Việt Nam tiếp tục tạo hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư dài hạn và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Băng Tâm