Trình diễn hát Xoan Phú Thọ. |
Đây là chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy với báo chí sau khi kiểm kê tại 4 phường Xoan gốc và các cộng đồng liên quan.
Trước đó, năm 2011, hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo tồn khẩn cấp. Từ tháng 3/2017, hồ sơ hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được gửi đến UNESCO để đề nghị ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dự kiến đến cuối năm 2017, hát Xoan Phú Thọ sẽ được UNESCO xem xét đưa ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dựa trên các tiêu chí của UNESCO, hát Xoan phải bảo đảm mang tính giá trị, tính cộng đồng và được truyền dạy liên tục từ đời này qua đời khác. Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cho biết địa phương đã và đang làm để khẳng định sức sống mạnh mẽ của hát Xoan kể cả trong không gian văn hóa đặc trưng và trong đời sống đương đại. Vì vậy, Phú Thọ sẵn sàng đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trước đây, tỉnh chỉ có hơn 100 đào, kép hoạt động không đều, trong đó quá nửa đã trên 60 tuổi và chỉ có 7 trong số các nghệ nhân trên 80 tuổi còn khả năng thực hành và truyền dạy. Nhưng đến nay, hát Xoan đã được thực hành thường xuyên tại 4 phường Xoan gốc là Phù Đức, Kim Đái, Thét thuộc xã Kim Đức, An Thái thuộc xã Phượng Lâu và 37 câu lạc bộ hát Xoan với trên 1.557 người tham gia thực hành hát Xoan, tăng hơn 23 lần so với thời điểm trước khi hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo tồn khẩn cấp vào năm 2011.
Ngoài các câu lạc bộ hát Xoan và dân ca cấp tỉnh, hát Xoan Phú Thọ còn được duy trì thực hành, trình diễn ở 64 câu lạc bộ cấp huyện với trên 1.325 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, tại cấp xã cũng đã thành lập được 42 câu lạc bộ với trên 1.300 thành viên.
Như vậy, toàn tỉnh hiện có 4.731 người tham gia sinh hoạt chính thức trong các tổ chức hát Xoan tại tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, chưa kể số người tham gia không chính thức. Nhiều chương trình biểu diễn quảng bá hát Xoan với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các nghệ nhân, thành viên các phường Xoan gốc và diễn viên các đơn vị nghệ thuật, đã gây ấn tượng tốt đẹp với nhân dân cả nước và du khách nước ngoài.
Cùng với đó, 100% trường học ở các cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã đưa nội dung hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn âm nhạc và trương trình học ngoại khóa với các bài hát Xoan phù hợp. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng trình diễn cho các hạt nhân hát Xoan tại các câu lạc bộ…
Phú Thọ cũng đã đi đầu trong việc vinh danh, phong tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan cho 52 nghệ nhân và 20 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần thứ nhất. Công tác đầu tư, tu bổ các di tích gắn với sự ra đời của hát Xoan đã được đặc biệt quan tâm; 20/30 di tích đình, miếu được bảo tồn, tôn tạo đủ điều kiện cho trình diễn hát Xoan thờ Thần.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục, quảng bá hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được chú trọng, đầu tư liên tục với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị cùng các cơ quan truyền thông, văn hóa, giáo dục của địa phương và Trung ương với nhiều hoạt động tích cực để đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng.
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đang nâng cấp chuyên trang hát Xoan cả tiếng Việt và tiếng Anh; xuất bản các chương trình nghe nhìn về hát Xoan giúp cộng đồng nhận diện về giá trị hát Xoan.
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí nhằm quảng bá, giới thiệu hát Xoan đến với đông đảo nhân dân, bạn bè trong và ngoài nước; hoàn thiện bản thảo xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy hát Xoan trong trường học; tổ chức truyền dạy và thực hành hát Xoan cho các đối tượng là hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh...
(theo TTXVN)