In bài viết

Hát Xoan thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp

(Chinhphu.vn) - Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới đưa hồ sơ báo cáo trình UNESCO đưa di sản ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.

23/11/2015 10:17
Truyền dạy hát Xoan cho thế hệ trẻ. Ảnh: Internet
Tỉnh Phú Thọ chính thức đệ trình hồ sơ, báo cáo UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi danh mục Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

Kết quả cuối cùng sẽ được UNESCO công bố vào cuối năm 2017, sau khi đã thẩm tra, xem xét và tiến hành các bước thủ tục.

Theo báo cáo của tỉnh Phú Thọ, ngay sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp vào ngày 24/11/2011, tỉnh đã ngay lập tức có kế hoạch hành động và thực hiện bảo tồn với "tầm nhìn chiến lược".

Bắt đầu từ việc kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng, nhận diện những bài bản cốt lõi của hát Xoan, hỗ trợ khẩn cấp và củng cố 4 phường Xoan gốc, tỉnh đã phát triển công tác bảo tồn sang tổ chức truyền dạy, đào tạo lớp nghệ nhân mới, đưa hát Xoan vào trường học.

Hiện nay số lượng các thành viên ở 4 phường Xoan đã tăng lên, từ 72 nghệ nhân năm 2006 lên tới 135 nghệ nhân. 

Từ 7 cụ đã rất cao tuổi còn có khả năng truyền dạy, thì nay đã có 62 nghệ nhân kế cận tiếp tục làm thầy dạy ở các câu lạc bộ, phường, làng Xoan. Từ 13 CLB người yêu thích Xoan, nay tăng lên 30 CLB với số hội viên hơn 1.100 người.

19 di tích liên quan đến hát Xoan, đặc biệt là miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đới, đình An Thái (đều ở TP. Việt Trì) – những di tích cổ nhất gắn với sự ra đời của hát Xoan, đều đã được khôi phục, tu bổ, tôn tạo và đưa vào sử dụng.

80/90 trường học ở TP. Việt Trì đã gắn hát Xoan vào chương trình dạy học của nhà trường và được Bộ GD&ĐT cho phép.

Đến nay Phú Thọ đã vinh danh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan cho 52 người, và Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lần thứ nhất cho 19 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tại tỉnh này.

Cùng với việc phục hồi các di tích liên quan, công nhận danh hiệu và thực hiện chính sách hỗ trợ nghệ nhân, tỉnh tiến hành phục hồi các quả cách, tục hát cổ.

Căn cứ vào những kết quả đã làm được sau 4 năm, thay mặt cho các nhà lãnh đạo và các cơ quan quản lý của Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San tự tin: "Chúng ta có thể khẳng định, hát Xoan Phú Thọ đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại".

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hoá thuộc Hội Di sản văn hoá Việt Nam, đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới đưa hồ sơ báo cáo trình UNESCO đưa di sản ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.

Nếu được UNESCO chấp nhận, hát Xoan sẽ được chuyển sang danh mục Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại.

PGS, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, người “sát cánh” cùng với tỉnh Phú Thọ trong việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp chia sẻ trên Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ: Để Xoan “sống” được trong xã hội đương đại thì phải làm sao cho người dân hiểu Xoan, yêu Xoan.

Để dân yêu Xoan thì chúng ta phải tạo ra khán giả Xoan. Mà để làm được điều đó, cần dạy cho người ta biết hát Xoan.

Điều thứ hai là chúng ta cần phải làm cho cộng đồng nhận thức được giá trị của di sản, từ đó sẽ yêu Xoan. Chúng ta cần để từ em nhỏ đến người già biết đến giá trị của Hát Xoan là hát thờ Vua Hùng. Đây là di sản văn hóa đầu tiên do một vị vua trực tiếp sáng tạo.

Về mặt nghệ thuật học, chúng ta cần phải chuẩn hóa Xoan theo lối trình diễn của các nghệ nhân ở những thế hệ trước.

Thứ ba là chúng ta phải tổ chức những nơi để Xoan trình diễn thờ Vua Hùng mà cộng đồng cùng được tham gia.

Mặt khác, để Xoan trở thành một nghệ thuật sinh hoạt, quần chúng có thể tiếp thu được thì chúng ta cần phải tạo cho Xoan những dung dáng mới đẹp về sân khấu, giọng hát, nghệ thuật. Làm sao cho Xoan có thêm được âm nhạc, có thêm được tiếng đàn, có thêm được nhạc điệu. Từ đó Xoan sẽ tự đến gần với đời sống cộng đồng.

Anh Kiên (tổng hợp)