Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ là từ ngân sách tỉnh; nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Một số mức hỗ trợ cụ thể như: Hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; mức hỗ trợ tối đa không quá 40 triệu đồng/thương hiệu; tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ với mức hỗ trợ tối đa 55 triệu đồng/1 chuyên đề tuyên truyền.
Hỗ trợ tối đa 80% trong việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
Mức hỗ trợ tối đa 60% áp dụng trong việc hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…
Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với nhau xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn; kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của các đề án, nhiệm vụ đảm bảo việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ được thực hiện đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; tổ chức thẩm định, trình phê duyệt và nghiệm thu kết quả thực hiện các đề án, nhiệm vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ; kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tham mưu thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có liên quan lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở đề xuất, đặt hàng của Sở Công Thương và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, đăng ký kiểu dáng công nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện công bố và áp dụng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo quy định chung về quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp trong các KCN tham gia hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng và thực hiện đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện đề án theo các nội dung đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và theo hợp đồng đã ký; sử dụng kinh phí đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả; báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan đến việc thực hiện đề án khi có yêu cầu thanh tra, kiểm tra.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, địa phương hiện có 2 KCN với tổng diện tích là 490,85 ha, tỉ lệ lấp đầy 81,7%; 4 cụm công nghiệp (CCN) tập trung và 6 CCN, với tổng diện tích là 744,94 ha, tỉ lệ lấp đầy khoảng 70%, thu hút được 110 dự án, đã có 69 dự án đi vào hoạt động, với tổng mức thu hút đầu tư là 77.531 tỷ đồng và 3.802,5 triệu USD.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hoạt động chủ yếu trong các ngành như: Sản xuất giấy, thủy sản, giày dép; may mặc, hóa chất, dược liệu, đồ uống,… với sự phát triển tương đối ổn định. Quy mô nhà máy được mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm đã đóng góp cao vào giá trị công nghiệp toàn tỉnh. Cơ cấu ngành công nghiệp đã tăng từ 13,87% năm 2015 lên 20,24% năm 2020; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân giai đoạn 2015-2020 là 8%/năm (5 năm trước là 7,1%).
Cơ cấu lao động khu vực công nghiệp chiếm 14,25% trong tổng số lao động của toàn tỉnh và chiếm 84% lao động khu vực II. Năng suất lao động khu vực công nghiệp đến năm 2020 là 129,1 triệu đồng/lao động/năm.
Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của tỉnh vẫn chưa tăng trưởng chưa tương xứng với kỳ vọng. Các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có tiềm lực về vốn và trình độ sản xuất, quản lý còn hạn chế; chưa tạo ra sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được sản xuất của chính cơ sở. Một vài doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Hậu Giang về sản xuất giày thể thao, giấy cứng bao bì nhưng đa phần doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu và phụ liệu hoặc mua của các tỉnh, thành phố khác trong nước.
Việc công nghiệp hỗ trợ của tỉnh còn chậm phát triển một phần do khả năng tham gia thị trường của những doanh nghiệp ngành này còn yếu, chưa có đủ công nghệ, năng lực sản xuất yếu kém và khả năng quản lý còn hạn chế, nên chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đơn giản như bao bì, nhãn mác, giày da,...
Nhằm đẩy mạnh việc phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND triển khai thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn đến năm 2025. Trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh quy mô nhỏ và vừa. Kế hoạch ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu nội địa với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển; xây dựng và hình thành các KCN, CCN liên ngành phục vụ cho các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Nhật Thy