Sáng ngày 12/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự lễ công bố còn có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Tỉ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8%.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang, góp phần tạo nên sự phát triển nhanh chóng, từ hạ tầng đến tăng trưởng kinh tế, của tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua.
Dự kiến năm 2023, tỉnh Hậu Giang sẽ là địa phương đạt tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai cả nước, thu ngân sách vươn lên đứng thứ 7 trên cả nước so với vị trí thứ 13 của nhiệm kỳ trước, đạt khoảng 6.800 tỷ.
Phó Thủ tướng cho rằng chưa bao giờ cơ hội đến với Hậu Giang lớn như bây giờ khi tỉnh sẽ là nơi giao thoa của 3 dự án cao tốc lớn qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; có đội ngũ cán bộ có khả năng tiếp nối truyền thống, có năng lực đổi mới cách nghĩ, cách làm để tạo sự đột phá; sản lượng nông sản lớn trong khi giá nông sản tăng cao.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ định hướng phát triển và những nhiệm vụ cần triển khai. Quá trình triển khai phải bảo đảm tuân thủ Quy hoạch nhưng không cứng nhắc, bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch khác; chú trọng quảng bá Quy hoạch đến với người dân và doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, chung tay, góp sức khi triển khai công trình, dự án cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Để thực hiện tốt Quy hoạch, Phó Thủ tướng gợi ý tỉnh cần xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch, trong đó phải tính đến yếu tố liên kết vùng, trước hết là kết nối về giao thông như kinh nghiệm của một số địa phương, trong đó có Hải Phòng; khai thác những thế mạnh văn hoá của địa phương.
Đối với những việc khó, phải có cách tiếp cận mới; tăng cường sự phối hợp trong, ngoài; người đứng đầu phải làm gương, truyền cảm hứng cho cấp dưới; chú trọng đào tạo cán bộ bằng nhiều hình thức, trong đó có việc trao truyền kinh nghiệm.
Về vai trò của người đứng đầu, Phó Thủ tướng cho biết trước khi ra quyết định đầu tư, có nhiều nhà đầu tư xem xét cái "tầm" của người đứng đầu rồi mới tính đến tiềm năng, giá đất, hạ tầng giao thông…
Phó Thủ tướng tái khẳng định chủ trương của Chính phủ tới đây sẽ phân cấp rất mạnh cho các địa phương để phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở còn Trung ương sẽ tập trung làm chính sách và kiểm tra giám sát.
Hải Minh