In bài viết

Hậu Giang phòng, chống tội phạm công nghệ cao

(Chinhphu.vn) - Giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ nhằm chủ động phòng, chống tích cực, ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu tối đa tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát, viễn thông, Internet, truyền dẫn phát sóng và công nghệ thông tin.

19/03/2010 16:48

 

 Tội phạm công nghệ cao đang gia tăng, cần phải có biện pháp phòng, chống tích cực

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối tiếp nhận thông tin về các dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin và cung cấp cho các cơ quan chức năng kịp thời tham gia phối hợp, xử lý.

Trong quá trình phối hợp, việc cung cấp thông tin, các dấu hiệu nghi vấn có hành vi vi phạm phải được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo bí mật theo quy định của pháp luật. Thông tin phải được cung cấp bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử có chữ ký xác nhận của Thủ trưởng cơ quan cùng cấp (đối với văn bản điện tử thì việc xác nhận là chữ ký điện tử).

Sở Công an chủ trì công tác điều tra, xác minh và bắt giữ các đối tượng có dấu hiệu tội phạm hoặc có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở sẽ phân công lực lượng tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cùng với các cơ quan chức năng theo định kỳ hoặc đột xuất trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

Thực tế các hành vi phạm tội liên quan đến công nghệ cao ngày càng có xu hướng phát triển. Hiện người dân đã không còn lạ lẫm trước thông tin về các hành vi như giả mạo tin nhắn SMS, một số website doanh nghiệp, thậm chí cả của cơ quan nhà nước bị hacker xâm nhập, hay vận chuyển hàng lậu qua hệ thống chuyển phát thư, hàng hóa,...

Trong bản báo cáo quý I năm 2010 về tình hình phát triển viễn thông tại Việt Nam, một công ty nghiên cứu thị trường nhận định số người dùng Internet tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới. Đến hết năm 2009, tại Việt Nam đã có khoảng 2,9 triệu thuê bao sử dụng Internet, tăng 41,3% so năm trước đó. Số người sử dụng Internet tại Việt Nam hiện ước khoảng 22,4 triệu. Hệ thống blog cá nhân cũng đang có xu hướng tăng nhanh chóng.

Mai Hương

(Nguồn: Quyết định số 4/2010/QĐ-UBND)