In bài viết

'Hãy cho họ biết thế nào là Tinh thần Việt Nam'!

(Chinhphu.vn) - Tấm Huy chương Vàng bóng đá -môn thể thao vua là đích nhắm đến, là khát vọng, là ước mơ không chỉ của bóng đá, của thể thao mà còn là của người dân mỗi nước. Tuy nhiên, việc giành nó đâu phải dễ vì điều này phụ thuộc vào tài năng của HLV, tài năng của các cầu thủ.

09/12/2019 11:33

Tính từ thời điểm này đến giờ khai cuộc trận chung kết bóng đá nam SEA Games 30 giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia chỉ còn 2 ngày nữa (19h ngày 10/12). Tấm Huy chương Vàng môn thể thao vua là đích nhắm đến, là khát vọng, là ước mơ không chỉ của bóng đá, của thể thao mà còn là của người dân Indonesia và Việt Nam.

Tuy nhiên, việc giành nó đâu phải dễ vì điều này phụ thuộc vào tài năng của HLV, tài năng của các cầu thủ.

Đội tuyển U22 Việt Nam hiện tại hầu như hội tụ đủ những yếu tố này và nó đã thể hiện qua 6 trận đấu tại SEA Games 30 vừa qua.

Khi HLV Park Hang-seo đến Việt Nam (tháng 11/2017), thông tin ấn tượng nhất về ông mà ta biết được đó là ông từng là Trợ lý cho HLV trưởng Đội tuyển Hàn Quốc Guus Hiddink tại World Cup 2002 mà khi đó Đội tuyển Hàn Quốc chung cuộc xếp thứ 4. Còn những thứ khác là không nhiều.

Rồi dần dà chúng ta đã thấy tài năng của ông với bóng đá Việt Nam ngày một dày thêm sau kỳ tích lịch sử: Huy chương Bạc tại Giải U23 châu Á, Huy chương Vàng AFF Cúp 2018, trở lại TOP 100 trên bảng xếp hạng FIFA…

Báo chí đã ca ngợi hết lời tài sử dụng cầu thủ, những lần thay người chuẩn xác… trong mỗi trận đấu, với từng đối thủ. Báo chí cũng nói về sự quan tâm của ông với các cầu thủ trước, trong và sau trận đấu như một “nhà tâm lý” kỳ tài. Đặc biệt nhất là ông từng nói với học trò mỗi lúc khó khăn, đại ý “Chúng ta là người Việt Nam, chúng ta không buông xuôi, không lùi bước trước bất cứ đối thủ nào. Hãy cho họ biết thế nào là tinh thần Việt Nam”.  Khi học trò mắc lỗi, ông nhận trách nhiệm và đề nghị báo chí không “đào sâu” vấn đề này.

Tất cả những điều đó đã làm ông trở thành chỗ dựa vững chắc của mỗi cầu thủ, tạo nên lòng tự tin cũng như sức mạnh, sức bền cho họ trong những trận đấu.

Cách “truyền lửa” tinh thần Việt Nam của ông Park Hang-seo đã gạt đi tâm lý tự ti của cầu thủ Việt Nam ngay trước các trận đấu với thủ mạnh như Thái Lan, UAE, Iran, Iraq, Qatar… như ta đã thấy, kể cả ở kỳ SEA Games 30 này.

Chiến thắng của HLV trên băng ghế chỉ đạo là cái đầu tỉnh táo, còn chiến thắng các cầu thủ trên sân bằng cú đánh đầu cũng tạo nên sức hút đặc biệt.

Tại SEA Games 30, trong 6 trận đấu, Đội tuyển U22 Việt Nam đã ghi được 21 bàn thắng, trong đó có 8 bàn thắng đến từ các pha phối hợp hoặc sút phạt đánh đầu ghi bàn (chỉ riêng trận thắng Lào 6-1 là không có bàn thắng nào được ghi bằng đầu). Đây là con số ấn tượng so với các kỳ SEA Games trước của U22 Việt Nam.

Đặc biệt trong 8 bàn thắng bằng đánh đầu, tiền đạo Hà Đức Chinh đã có cho riêng mình 5 bàn. Ba bàn còn lại là của Tiến Linh (2 bàn), Thành Chung (1 bàn).

Ghi bàn kết thúc bằng những pha đánh đầu có thể nói là thứ “vũ khí mới” của thầy trò ông Park Hang-seo.

Điều trùng hợp thú vị nữa là trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30 tối 8/12, bàn thắng duy nhất vào lưới Đội tuyển nữ Thái Lan mang về chiến thắng cho Đội tuyển nữ Việt Nam cũng từ pha đánh đầu dũng mãnh của Hải Yến ở phút  thứ 2 (hiệp phụ thứ nhất).

Pha đánh đầu ghi bàn thắng quyết định của Đức Chinh trong trận gặp Singapore.

Như vậy có thể thấy Tinh thần Việt Nam cùng sự tỉnh táo, linh hoạt trong chỉ đạo trận đấu của cả HLV và cầu thủ sẽ là thứ “vũ khí” đáng sợ nhất với đối thủ.

Trong trận chung kết ngày mai với Indonesia, các học trò ông Park Hang-seo lại có dịp sử dụng “vũ khí” mạnh này để niềm vui trọn vẹn.

Thanh Phương