In bài viết

Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động*

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta phải cùng nhau hành động để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. "Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động".

31/05/2022 21:34

Tối ngày 31/5, tại cung thiếu nhi Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại sự kiện này.

Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động* - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Thưa các đồng chí, quý vị đại biểu, khách quý cùng các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng yêu quý!

Sự kiện Lễ phát động "Tháng hành động vì trẻ em" và Khai mạc hè năm 2022 đặc biệt hơn mọi năm khi các cháu vừa phải trải qua giai đoạn rất khó khăn của đại dịch COVID-19. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bác chúc 700 cháu có mặt đại diện ở đây và 25 triệu trẻ em trên toàn quốc cùng gia đình, các thầy cô giáo sức khỏe, hạnh phúc, chúc các cháu một kỳ nghỉ hè an toàn, ý nghĩa, vui tươi, lành mạnh và bổ ích.

Thưa các quý vị đại biểu và các cháu thân mến!

Chúng ta không chỉ có tháng hành động vì trẻ em mà phải luôn luôn hành động vì trẻ em. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tình thương yêu sâu sắc đối với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng vì các cháu là hạnh phúc của gia đình và tương lai của đất nước. Bác căn dặn:"Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt".

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh. Nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là bản Hiến pháp Việt Nam ngay từ năm 1959 cho đến nay đều có nội dung về trẻ em. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

Giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em đã được các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và nhân dân đặc biệt quan tâm. Nhiều chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng như chăm sóc thường xuyên đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Đến nay, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine và hiện đang tích cực triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi. Đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng, được các cấp, các ngành và cả xã hội rất quan tâm, chăm lo. Chương trình hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 được đông đảo các cơ quan, đơn vị, cá nhân và tổ chức quốc tế hưởng ứng tích cực.

Tháng 5 vừa qua, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đánh giá cao những chủ trương, chính sách của Việt Nam về chăm lo, bảo vệ quyền trẻ em trong các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương; trân trọng và ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nói chung. Tôi cũng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự đóng góp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đặc biệt là Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước và tất cả chúng ta đã cố gắng nhưng không hết trăn trở, day dứt khi vẫn còn một số cháu phải đối mặt với nghịch cảnh của cuộc sống. Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, nhất là đuối nước, tự tử vì trầm cảm do tác động của di chứng hậu COVID-19 vẫn còn xảy ra trong xã hội.

Để giải quyết được tồn tại và mang lại môi trường tốt đẹp cho trẻ em, chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan từ phía gia đình, nhà trường, xã hội. Mỗi cá nhân trong cộng đồng có ý thức trách nhiệm với trẻ em thì điều tốt đẹp hơn sẽ đến với các em. Tôi muốn nêu vấn đề này vì chỉ giải quyết được vấn đề khi chúng ta tìm được nguyên nhân, giải pháp và hành động bằng tấm lòng, trách nhiệm và trái tim yêu thương với trẻ em. Tôi muốn nhấn mạnh 3 trụ cột chính ảnh hưởng đến đời sống của trẻ em, đó là gia đình - nhà trường - xã hội.

Đối với gia đình: Mỗi gia đình hãy là "ngôi nhà xanh" hạnh phúc cho các cháu với trách nhiệm của cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ. Vì thực tế nhiều cháu đã bất hạnh trong chính ngôi nhà mình, do chính người thân gây ra. Gia đình quan tâm đến bữa ăn, tâm lý của trẻ sau dịch COVID-19, tránh gây áp lực cho các em, các cháu về học tập và làm việc.

Đối với nhà trường: Hãy là nơi để "mỗi ngày đến trường là một niềm vui". Ở đó các cháu coi thầy cô là cha mẹ thứ 2 của mình, chia sẻ và thực hiện khát vọng cuộc sống. Ở đó các cháu không bị áp lực học hành, thi cử, có môi trường lành mạnh, không bị thầy cô và bạn bè làm tổn thương, được an ủi khi có những chuyện buồn. Thậm chí đã có lần tôi nói cần cải thiện lại hệ thống nhà vệ sinh của trường học để các cháu được hưởng môi trường vệ sinh sạch sẽ. Hay nhà trường cần chú ý đến tâm lý, vấn đề an toàn và quan tâm đặc biệt đến tâm lý của trẻ sau dịch COVID-19 vì các cháu đã học trực tuyến một thời gian dài, tiếp xúc bạn bè bị hạn chế do chưa được đến trường.

Đối với xã hội: Tôi muốn nói đến cụm từ "trách nhiệm và yêu thương". Đó là trách nhiệm của quốc gia, cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và mỗi cá nhân đối với trẻ em. Đối với quốc gia, cần có Chiến lược phát triển trẻ em Việt Nam, trong đó có giải pháp nâng cao thể trạng của trẻ em; giáo dục những hệ giá trị của con người Việt Nam như lòng yêu nước, ham học hỏi, trách nhiệm, kỷ cương, chân thành, nhân ái… Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Trẻ em và Nghị quyết 121/2020/QH14 của Quốc hội và các nội dung, nhiệm vụ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động* - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thưa các quý vị đại biểu và các cháu yêu quý!

Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động. Mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm để đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để xây dựng chương trình học phù hợp, tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ… Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương chú ý đến trường học, sân chơi, bể bơi, nhà vệ sinh cho trẻ em… Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chú ý các chính sách hỗ trợ nhà trường, trẻ em ảnh hưởng dịch COVID-19. Bộ Y tế nghiên cứu và có hướng dẫn về dinh dưỡng, bữa ăn cho trẻ em, khẩn trương hoàn thành việc tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 cho trẻ em, nhất là nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Bên cạnh đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các tổ chức, hiệp hội, nhất là Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam để có những chính sách bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, lưu ý trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ liên quan đến trẻ em cần đặt sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ lên hàng đầu. Để tạo "môi trường xanh" phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ em, tôi kêu gọi mỗi cá nhân trong cộng đồng hãy hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái. Đồng thời, xã hội lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm những hành vi sai trái với trẻ em.

Các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng yêu quý!

Bác biết, trong hội trường này và rất nhiều cháu trên toàn quốc đã vượt qua khó khăn, nghịch cảnh của dịch COVID-19, nỗ lực vượt lên chính mình đạt các danh hiệu "con ngoan, trò giỏi", "cháu ngoan Bác Hồ". Bác biết, các cháu đã rất khó khăn do phải học trực tuyến, không được gặp bạn bè, thầy cô, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn hơn do thu nhập bị sụt giảm… Vượt qua tất cả, Bác tin hơn 25 triệu cháu hiểu được tấm lòng của gia đình, thầy cô, và sự quan tâm của xã hội để luôn cố gắng thực hiện khát vọng, giấc mơ của riêng mình…. để không phụ tình yêu thương và trách nhiệm đó, để trở thành những người con, học trò, công dân có trách nhiệm với gia đình, nhà trường và xã hội.

Thưa các quý vị đại biểu và các cháu yêu quý!

Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề "Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em", chúng ta phải cùng nhau hành động để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Chúng ta quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ em. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Vì lợi ích mười năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người". Gia đình, nhà trường, xã hội luôn thực hiện trách nhiệm với các cháu. Mỗi cháu sẽ là mầm non lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, để đất nước Việt Nam ngày càng phát triển hùng cường và thịnh vượng.

Chúc các quý vị đại biểu, khách quý mạnh khỏe và thành công! Chúc các cháu có một mùa hè vui vẻ, an toàn, bổ ích, lành mạnh và đáng nhớ!

Xin trân trọng cảm ơn./."

* Tiêu đề do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đặt