In bài viết

Hãy quan tâm hơn nữa đến tâm sinh lý của con!

(Chinhphu.vn) - Thời gian gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên tự tử, có các hành vi tự làm hại bản thân do bị trầm cảm, do áp lực học tập liên tiếp xảy ra khiến dư luận xã hội bàng hoàng, đau đớn. Mỗi câu chuyện là một bài học cay đắng, thức tỉnh nhà trường, các bậc phụ huynh trong việc giáo dục và định hướng cho con.

31/05/2022 14:07
Hãy quan tâm hơn nữa đến tâm sinh lý của con! - Ảnh 1.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Đây cũng là hồi chuông cảnh báo mạnh tới nhiều bậc phụ huynh trong việc cần quan tâm hơn nữa đến tâm sinh lý của con cái mình.

Để hiểu rõ hơn về trầm cảm ở tuổi vị thành niên cũng như những dấu hiệu nhận biết, giải pháp cho vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội).

Sớm nhận biết dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em

Thưa bác sĩ, hiện nay trầm cảm xảy ra rất nhiều ở trẻ em dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng, thậm chí tự tử? Vậy theo bác sĩ đâu là nguyên nhân dẫn đến những việc này?

TS. BS. Trần Thị Hồng Thu: Chúng ta thường nghĩ về trầm cảm ở người trưởng thành hoặc tuổi mới lớn nhưng trên thực tế trẻ em cũng có thể mắc trầm cảm.

Có rất nhiều yếu tố góp phần gây trầm cảm, bao gồm di truyền, môi trường và tình huống. Trẻ em và thanh thiếu niên có thành viên trong gia đình có tiền sử mắc bệnh trầm cảm sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hơn.

Trầm cảm cũng có thể là một phản ứng đối với một số tác nhân gây căng thẳng, chẳng hạn như thay đổi trường học, sự ra đi của một người thân, chuyển chỗ ở, sự ra đời của anh chị em hoặc bất kỳ sự kiện nào.

Các yếu tố khác cũng có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh trầm cảm như xung đột gia đình, bị bắt nạt (trực tiếp hoặc qua mạng), bệnh thể chất (ví dụ: Bệnh tiểu đường, động kinh, đau nửa đầu, ung thư), sống xa cha mẹ, khó khăn về học tập, xung đột với giáo viên và bạn bè...

Dấu hiệu nào để nhận biết trẻ bị trầm cảm, thưa bác sĩ?

TS. BS. Trần Thị Hồng Thu: Dấu hiệu trầm cảm một đứa trẻ hay một học sinh không hề dễ nhận biết nhưng nếu người lớn chú ý hoàn toàn có thể làm được. 

Biểu hiện điển hình của bệnh trầm cảm là thái độ buồn bã, suy sụp và cô đơn. Nỗi buồn là khía cạnh quan trọng của trầm cảm nhưng không chỉ buồn là đủ. Trầm cảm bao gồm rất nhiều triệu chứng.

Bệnh trầm cảm có biểu hiện khác nhau ở mỗi người, khác nhau tùy từng ngày, bối cảnh, hoàn cảnh... Trầm cảm có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, từ các đợt ngắn kéo dài vài tuần hoặc vài tháng đến các đợt kéo dài trong nhiều năm.

Trẻ trầm cảm mất hứng thú với các hoạt động trước đây từng yêu thích (chơi bóng đá, đi xem phim với bạn, chơi nhạc hoặc nhảy nhót...). Trẻ kêu buồn chán; có thể ngủ hoặc nằm nhiều. Khi bắt buộc phải tham gia các hoạt động yêu thích trước đây, trẻ không còn vui vẻ hào hứng nữa. Trẻ trầm cảm khó kết bạn và duy trì tình bạn, có thể bị cô lập về mặt xã hội, khó diễn đạt cảm giác của mình, thậm chí muốn trốn đi khỏi nhà.

Trẻ cũng dễ khóc, dễ cáu kỉnh, thậm chí đôi khi hung hãn, tự ti, giảm năng lượng và cảm giác tuyệt vọng. Trẻ cảm thấy cuộc sống không thể tốt hơn.

Trẻ cực kỳ nhạy cảm với sự từ chối hoặc thất bại, cho dù đó là thực tế hay tưởng tượng. Trầm cảm thường khiến trẻ tập trung vào những phẩm chất tiêu cực, làm giảm đi những khía cạnh tích cực trong cuộc sống của chúng. 

Trẻ trầm cảm thường phàn nàn về các triệu chứng thể chất, như đau đầu, đau bụng mà không thể tìm được nguyên nhân. Trầm cảm thường cản trở khả năng tập trung hoặc duy trì sự tập trung của trẻ, dẫn đến việc điểm kém và nghỉ học nhiều. Trẻ có thể thay đổi thói quen ngủ và ăn uống, có thể nói lên nỗi lo bị chết.

Một mối quan tâm đáng kể liên quan đến trầm cảm là tự tử. Nếu nhận ra các dấu hiệu cảnh báo, tự tử là hành vi có thể can thiệp. Tự tử có rất nhiều dấu hiệu. Trẻ có thể quan tâm đến bạo lực và vũ khí, chúng có thể nói, viết hoặc gợi ý về việc tự sát. Trẻ có thể mang đồ dùng đi cho người khác, đặc biệt những thứ mà trẻ yêu quý. Trẻ có thể ngày càng trở nên thu mình, thờ ơ, chán nản, tức giận hoặc bực bội. Trẻ có thể thay đổi rõ về học tập và ngoại hình của chúng, ít quan tâm vệ sinh cá nhân và chải chuốt. Ví dụ trẻ đã từng thích làm móng tay và trang điểm, nhưng gần đây lại không hứng thú với những việc này nữa.

Có rất nhiều yếu tố cảnh báo tự tử chẳng hạn có lần định tự tử trước đây, lạm dụng chất kích thích, lạm dụng trước đó hoặc liên tục (thể chất, tình dục hoặc tình cảm), khó khăn trong học tập, khó khăn trong gia đình/mối quan hệ, mất mát gần đây (ví dụ: Cái chết, cha mẹ ly thân/ly hôn, chuyển chỗ ở), bốc đồng, phán đoán kém, các vấn đề sức khỏe tâm thần không được điều trị, hung hăng/đánh nhau/bắt nạt, hành vi tự gây thương tích trong quá khứ hoặc hiện tại, tiền sử gia đình từng tự tử, xu hướng tính dục...

Ngoài ra còn có các yếu tố văn hóa góp phần tăng nguy cơ tự tử là sự thay đổi về vai trò và kỳ vọng về giới, cảm giác bị cô lập hoặc là nạn nhân cũng như phản ứng hợp lý trước sự xấu hổ.

Sức khỏe tinh thần là yếu tố quan trọng để trẻ phát triển khỏe mạnh

Theo bác sĩ, để phòng ngừa trẻ bị trầm cảm dẫn đến hành vi không mong muốn thì chúng ta cần có những giải pháp gì để ngăn chặn, đẩy lùi?

TS. BS. Trần Thị Hồng Thu: Các nhà thực hành, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu ngày càng nhận rõ sức khỏe tinh thần là yếu tố quan trọng để trẻ phát triển khỏe mạnh. Cha mẹ có thể nâng cao sức khỏe trẻ em bằng cách bảo đảm cho trẻ có các kỹ năng cần thiết để quản lý suy nghĩ và cảm xúc, xây dựng các mối quan hệ xã hội tích cực - tạo điều kiện đầy đủ cho trẻ tham gia tích cực vào xã hội khi đến tuổi trưởng thành.

Cảm xúc buồn cũng là một phần của cuộc sống, quan trọng là tránh để những cảm giác khó chịu này kéo dài và biết cách ngăn cản nỗi buồn tiến triển thành bệnh lý trầm cảm.

Mối quan hệ tích cực với cha mẹ là điều quan trọng nhất. Hãy làm tất cả trong khả năng để duy trì mối quan hệ bền chặt giữa trẻ với gia đình và bạn bè của trẻ để trẻ luôn được hạnh phúc. Trẻ em rất cần mối quan hệ tích cực với cha mẹ, với các người lớn khác và được tôn trọng.

Để hạn chế hành vi tự làm hại bản thân, thậm chí là tự tử, ở trẻ và thanh thiếu niên thì vai trò của gia đình, nhà trường và toàn xã hội cực kỳ quan trọng. Vậy theo bác sĩ, gia đình, nhà trường cần phải làm gì để hạn chế hành vi này ở trẻ?

TS. BS. Trần Thị Hồng Thu: Cha mẹ đừng quên chuyện trò thường xuyên với con. Cha mẹ có thể liên hệ thường xuyên với những người lớn khác trong cuộc sống của con, chẳng hạn như giáo viên, cố vấn học đường/nhân viên xã hội, huấn luyện viên, người dạy nhạc... Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con và khuyến khích con tương tác xã hội...

Nếu con trẻ có ý định tự tử hãy luôn coi đây là trường hợp khẩn cấp. Tháo hoặc khóa vũ khí (ví dụ: Súng, dao, dây thừng, dây cáp dài) và cất kỹ các loại thuốc men (theo đơn và không kê đơn).

Cha mẹ cùng con liệt kê các hoạt động của con (ví dụ: Khiêu vũ, viết, vẽ, tô màu, tập thể dục, chơi với thú cưng, thổi bong bóng, đọc sách, nghe nhạc) như cũng như danh sách những người mình có thể liên hệ (ví dụ: Ông bà, họ hàng, bạn bè, giáo viên). Nên nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần để được tư vấn và điều trị kịp thời. 

Giáo viên khi nhận thấy học sinh đang có dấu hiệu thay đổi thái độ ứng xử hoặc học sút kém, nên nói chuyện với bác sĩ học đường hoặc nhân viên công tác xã hội. Giáo viên nên trao đổi mối quan tâm của mình với phụ huynh. Cuối cùng, nên giữ không gian an toàn cho trẻ trong lớp học.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Liên (thực hiện)