In bài viết

Hãy xắn tay lên và dọn dẹp

(Chinhphu.vn) - Thời gian gần đây ở TP. Đà Nẵng, nhiều bạn trẻ đã có hành động ứng xử rất đẹp với môi trường thông qua các việc làm như dọn rác, lặn biển nhặt rác, kêu gọi cộng đồng giảm rác thải nhựa…, tạo cảm hứng và lan tỏa thông điệp hãy chung tay bảo vệ môi trường vì một tương lai xanh.

01/09/2019 11:55

 

Các bạn trẻ lặn biển thu rác thải nhựa.

Trước đây tại bãi Đá Đen, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng như một bãi rác khổng lồ, có chỗ rác dày gần 1 m, do sóng biển tấp vào.

Bạn Vũ Thành An (28 tuổi) thông qua mạng xã hội Facebook đã khởi xướng chiến dịch “Dọn rác Sơn Trà - ChallengeForChange”. Sau 4 tháng ròng rã, 19 buổi dọn rác, với 700 lượt người tham gia, các bạn trẻ đã trả lại cho nơi này vẻ đẹp nên thơ mà chắc chắn ai cũng muốn chiêm ngưỡng khi đến TP. Đà Nẵng.

Đặng Anh Tuấn, một bạn trẻ hưởng ứng tham gia ngay từ đầu cho biết: “Vì yêu Sơn Trà, nên khi thấy hình ảnh rác thải bủa vây eo biển đẹp hoang sơ, tôi hăng hái hưởng ứng chiến dịch ngay. Khi bắt tay dọn rác ở đây nhiều người nói rằng, một người dọn trăm người xả thì cũng như “muối bỏ biển” mà thôi. Nhưng bọn mình vẫn tiếp tục làm, vì đơn giản nghĩ nơi này đang cần bọn mình; mình phải làm để từ đó truyền đi thông điệp hãy chung tay cùng làm sạch biển, sống tử tế với môi trường. Và thực sự không có cách tuyên truyền nào hiệu quả hơn việc xắn tay lên và dọn dẹp nó”, Đặng Anh Tuấn chia sẻ.

Lê Anh Tiến (27 tuổi) đã bắt đầu công việc lặn biển nhặt rác được gần 2 năm nay. Vốn xuất thân là HLV bơi lội nên vào những ngày cuối tuần anh lại cùng bạn bè và các học trò lặn biển ngắm san hô ở Sơn Trà. Từ những chuyến lặn biển, anh nhận ra san hô và sinh vật biển sẽ bị hủy hoại nếu rác thải nhựa tiếp tục bị xả vào lòng đại dương…

“Khác với nhặt rác trên bờ, lặn và vớt rác dưới đáy biển đòi hỏi phải có sức khỏe và kỹ năng. Lặn và nhặt rác dưới đáy biển vất vả gấp mấy chục lần nhặt trên bờ nhưng bù lại khi ở dưới lòng đại dương bạn sẽ được ngắm san hô và nhiều sinh vật biển khác vô cùng thú vị. Mỗi khi cắt xong mớ dây dính vào rừng nguyên sinh dưới biển, nhìn thấy cả đàn cá sum vầy, cảm giác chúng vui vẻ là có thật”, anh Tiến vui vẻ cho biết.

Các bạn trẻ chung tay làm sạch bãi rác tại Đá Đen, quận Sơn Trà.

Bạn trẻ Lê Hải Đăng thì chia sẻ: Trải nghiệm trong chuyến lặn biển nhặt rác đầu tiên đã giúp cho em thấy một không gian biển xanh cần được bảo vệ. Nhìn đám san hô sống tuyệt đẹp bị che lấp trong đống chai lọ nhựa và dây thừng, em thấy buồn lắm. Lặn biển nhặt rác rất vất vả và mất sức. Nhưng em vẫn quyết tâm cùng các anh chị tiếp tục duy trì lặn biển nhặt rác vào mỗi sáng chủ nhật ở từng bãi đá khác nhau. Vừa nâng cao kỹ năng bơi lội vừa chung tay làm sạch môi trường biển”, Lê Hải Đăng hào hứng chia sẻ.

Mùa hè này ghé bãi biển Đà Nẵng, nhiều người dân và du khách thích thú, thậm chí là tìm đến chụp ảnh cùng những chú cá “Bống” rất đặc biệt với nhiệm vụ “ăn rác” cùng thông điệp “Hãy cho Bống ăn rác thải nhựa chứ không phải đại dương”.

Cô Sarah Field, chủ nhân của ý tưởng này cho biết, tôi đến Đà Nẵng làm việc được 9 tháng và rất yêu mến cuộc sống nơi đây. Trong những lần đi dạo trên bờ biển, thỉnh thoảng thấy những chai nhựa, vỏ bao ni lông trôi dạt hoặc nằm vương vãi trên bãi cát, đã khiến bản thân suy nghĩ. Khi chia sẻ ý tưởng cùng những người bạn, Sarah nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.

 “Hãy cho Bống ăn rác thải nhựa chứ không phải đại dương” đã lan toả thông điệp bảo vệ môi trường.


Cuối tháng 3/2019, một người bạn của Sarah đã kết nối cô với Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà. Và rồi, dự án cho Bống ăn rác đã nhanh chóng nhận được sự đồng ý của chính quyền và hưởng ứng tích cực của tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học ở Đà Nẵng.

“Thực hiện dự án này, chúng tôi mong muốn bất cứ du khách khi thấy “Bống” ở biển thì sẽ suy nghĩ tại sao lại có con cá đựng rác ở đây, tại sao phải tách rác thải nhựa ra khỏi biển. Từ đó lan tỏa thông điệp bảo vệ đại dương khỏi rác thải nhựa ở Đà Nẵng”, cô Sarah Field chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay: Dự án Bống là tâm huyết của các giáo viên người nước ngoài tại Đà Nẵng kết hợp với các tình nguyện viên là các bạn sinh viên nhiệt huyết mong muốn đóng góp và thay đổi nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường biển do các hoạt động du lịch gây ra. Từ đó lan toả đi thông điệp bảo vệ đại dương, môi trường biển đối cộng đồng địa phương và du khách quốc tế và đặc biệt nhất là đối với thế hệ trẻ.

Lưu Hương