In bài viết

HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2004 – 2011: không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động

Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2004-2011 được kéo dài thêm hai năm và trong cả nhiệm kỳ 7 năm qua, dù gặp không ít khó khăn nhưng HĐND tỉnh luôn thực hiện tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên. Nhờ năng động, sáng tạo và chịu đổi mới mà nhiệm kỳ qua, chất lượng các kỳ họp, hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri được nâng lên; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng mở rộng theo hướng dân chủ, thiết thực, hiệu quả…

14/04/2011 18:27
*Linh hoạt, sáng tạo trong quá trình hoạt động Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát công trình trường học Suốt một nhiệm kỳ kéo dài, HĐND tỉnh luôn chủ động và thể hiện sự sáng tạo trong quá trình hoạt động. Việc phát huy dân chủ, khai thác trí tuệ tập thể và nâng cao trách nhiệm của từng đại biểu để hoàn thành nhiệm vụ được thể hiện ngay trong các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp dân, chuẩn bị kỳ họp, tổ chức các cuộc giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương… Trong nhiệm kỳ khóa VII, HĐND tỉnh ban hành 205 Nghị quyết, trong đó có 94 Nghị quyết chuyên đề, 23 Nghị quyết về công tác nhân sự và 88 Nghị quyết thường kỳ phục vụ cho công tác tổ chức bộ máy và quản lý, điều hành ở địa phương. Hiện vẫn còn 58 Nghị quyết còn hiệu lực tiếp tục thi hành (chiếm tỷ lệ 62%) số Nghị quyết ban hành dù tình hình kinh tế xã hội trong nước và tỉnh có nhiều biến động. Về hoạt động giám sát, trong nhiệm kỳ đã có 764 cuộc giám sát với 4.182 kiến nghị được nêu. Sau các đợt giám sát, Đoàn giám sát đều có các kiến nghị gửi đến các cơ quan chịu sự giám sát và UBND cùng cấp và đơn vị liên quan. Các kiến nghị đều nêu rõ về thời gian thực hiện kiến nghị và báo cáo kết quả thực hiện cho Đoàn. Về hoạt động tiếp xúc cử tri trước trong và sau kỳ họp có nhiều đổi mới, ngoài việc tổ chức tiếp xúc cử tri tại địa bàn ứng cử, hàng năm HĐND tỉnh còn tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn để thu nhận những ý kiến đóng góp, kiến nghị mang tính chuyên sâu của cử tri góp phần vào việc quyết định của HĐND và công tác quản lý điều hành của UBND tỉnh nâng cao hiệu quả. Về hoạt động tiếp công dân, để việc tiếp công dân mang tính chuyên sâu và có sự theo dõi xuyên suốt, thường trực HĐND và Ban Pháp chế đã tổ chức tiếp công dân định kỳ vào thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần tại phòng tiếp dân của UBND tỉnh. * Nhiều sáng kiến hay tiếp tục được phát huy Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua, là Đồng Nai đã mạnh dạn bố trí 2 đại biểu chuyên trách/Ban HĐND và duy trì ổn định cho đến nay, nhờ đó mà hoạt động của HĐND có sự ổn định, chuyên sâu trong triển khai các nhiệm vụ. Song song đó, để nâng cao kỹ năng cho các đại biểu HĐND, HĐND tỉnh đã tổ chức 2 đợt tập huấn về kỹ năng hoạt động và kỹ năng giám sát của đại biểu HĐND đến toàn thể đại biểu HĐND ba cấp bằng hình thức truyền hình trực tiếp và tổ chức cho các đoàn đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác. Cùng với việc tập trung về nhân sự, năm 2006, Đồng Nai cũng mạnh dạn thí điểm thành lập Ban HĐND cấp xã (mỗi Ban có từ 5 đến 7 thành viên). Từ đó đến nay, các Ban đã giúp cho HĐND cấp xã khắc phục được tính hình thức, tình trạng nể nang, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; hỗ trợ tích cực đến việc thực hiện trách nhiệm của lãnh đạo chủ chốt ở xã, nhất là trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở; đặc biệt, với việc thành lập và hoạt động của Ban HĐND cấp xã đã giúp cho HĐND cấp xã thực hiện được hoạt động thẩm tra, xem xét các văn bản QPPL và nâng cao chất lượng giám sát, điều mà trước đây HĐND cấp xã chưa làm được. Năm 2008, HĐND tỉnh lại tiếp tục mạnh dạn triển khai thí điểm mô hình Nâng cao chất lượng hoạt động và tổ chức giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh và cho đến nay Đồng Nai đang tổ chức thí điểm tại 5/11 Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Với việc thí điểm này, hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND tuy chưa được quy định và chưa có tiền lệ nhưng đã được tiến hành với trình tự chặt chẽ, linh hoạt và đạt hiệu quả cao so với trước khi chưa thí điểm. Thông qua hoạt động giám sát, các Tổ đại biểu đã phát hiện và đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng về những vấn đề ngoài tầm của HĐND huyện, trong lúc HĐND tỉnh cũng chưa giám sát đến, đã khắc phục dần tình trạng bỏ sót đối tượng và lĩnh vực cần phải giám sát. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Chí Thắng nhận định, qua tổ chức thí điểm, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện được vai trò là “cánh tay nối dài” của HĐND tỉnh, giúp cho HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh mở rộng phạm vị, hoạt động giám sát, phát huy tính chủ động trong hoạt động của mình. Cũng trong nhiệm kỳ này, cụ thể là kỳ họp thứ 12 năm 2007, HĐND tỉnh đã triển khai mô hình HĐND điện tử thông qua việc các đại biểu tự trang bị máy tính xách tay và được cung cấp một địa chỉ hộp thư công vụ. Các tài liệu liên quan đến hoạt động đại biểu; thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; các văn bản pháp luật mới ban hành thường xuyên được gửi vào hộp thư cho đại biểu tham khảo. Nhờ mô hình này mà tài liệu chuyển đến đại biểu nhanh, khắc phục cơ bản tình trạng tài liệu đến tay đại biểu vào thời điểm sát kỳ họp; thông tin gửi đến đại biểu phong phú, giảm được chi phí in ấn. Tại kỳ họp lần thứ 22, kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã ghi nhận những kết quả mà Đồng Nai đã đạt được và đồng chí phấn khởi chia sẻ: Tôi rất vui mừng được trở lại Đồng Nai, nơi có nhiều dân tộc cùng sinh sống, cùng làm việc và cùng đoàn kết xây dựng một tỉnh Đồng Nai ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trong nhiệm kỳ hoạt động HĐND tỉnh, có nhiều kinh nghiệm từ Đồng Nai rất đáng trân trọng, thể hiện sự sáng tạo, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà ngay cả Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng phải học tập. Đó là: Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND của Đồng Nai đã đánh giá đúng và trúng tình hình của địa phương, quyết định được nhiều vấn đề quan trọng của địa phương; thực hiện chương trình giám sát theo chuyên đề đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm, gửi gắm; hoạt động chất vấn có hiệu quả trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng vì sự phát triển của địa phương và vì nhân dân; các văn bản, kết luận báo cáo trước kỳ họp được đều được lắng nghe lại bằng việc kiểm tra việc thực hiện lời hứa….Đặc biệt, với nhiều mô hình sáng tạo hay đã đưa Đồng Nai thành địa phương được Trung ương đánh giá cao trong cả nước. Thanh Tâm