In bài viết

Hệ thống tín dụng ngân hàng đồng hành với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

(Cổng TTĐT Chính phủ) - Trong bối cảnh cả nước thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng đã có những chỉ đạo cụ thể, linh hoạt hoạt động tín dụng; các NH thực hiện điều chỉnh cơ cấu tín dụng, giảm tín dụng đầu tư trong lĩnh vực phi sản xuất để tăng tín dụng đầu tư cho lĩnh vực trực tiếp sản xuất nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh.

29/09/2008 17:02
Hệ thống  tín dụng ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Ảnh minh họa
Theo báo cáo của 6 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước (bao gồm cả Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Ngoại thương và Ngân hàng Phát triển), 31 NHTMCP và 33 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh, cho thấy: Trong 7 tháng đầu năm 2008, doanh số cho vay của các NHTM đối với DNNVV là 289.100 tỷ đồng; trong đó, khối NHTM Nhà nước là 141.816 tỷ đồng chiếm 47,7%; khối NHTM cổ phần là 139.837 tỷ đồng, chiếm 47,07%; khối ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 7.446 tỷ đồng, chiếm 2,5%.
Dư nợ cho vay DNNVV tính đến ngày 31/7/2008 của các NHTM đạt 299.472 tỷ đồng (chiếm 27,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế). Trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm 73,05%; cho vay trung, dài hạn: chiếm 26,95%.
Kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2008 của các DNNVV có quan hệ tín dụng với các NHTM đạt 18.532 tỷ đồng, bình quân kết quả kinh doanh của 1 DNNVV đạt 458 triệu đồng. Nộp ngân sách 7 tháng đầu năm 2008 là 5.721 tỷ đồng, bình quân 48 triệu đồng/doanh nghiệp.
Nhiều NHTM cổ phần đã tập trung cho các DNNVV vay lên tới trên 70% dư nợ. Một số chi nhánh của NHTM Nhà nước có dư nợ cho vay các DNNVV đạt trên 95%. Chiều hướng phát triển của các DNNVV tương đối ổn định và đi lên, khó có khả năng phá sản đổ vỡ hàng loạt như một số thông tin từ nguồn không chính thức đưa ra gần đây.
Tuy nhiên, theo Vụ Tín dụng, NHNN, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động tín dụng ngân hàng cho các DNNVV vẫn còn một số tồn tại như tỷ trọng vốn chủ sở hữu của DNNVV trên tổng nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp thấp, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay ngân hàng nên hiệu quả kinh doanh chưa cao; công nghệ sản xuất, kinh doanh của DNNVV lạc hậu, khả năng cạnh tranh hạn chế, đó là chưa kể đến các báo cáo tài chính không được kiểm toán đã dẫn đến những trở ngại đối với công tác thẩm định và quyết định cho vay của ngân hàng…
 Không thể chỉ dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng
Để bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn hiệu quả, tháo gỡ khó khăn về vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của DNNVV, Vụ Tín dụng đề xuất, các DNNVV cần phát triển theo hướng cân đối nguồn vốn tự có và vay ngân hàng ở mức hợp lý, không dựa hoàn toàn hoặc chủ yếu vào vốn vay thương mại ngân hàng; phải coi vốn vay ngân hàng là vốn vay bổ sung, cần thiết khi các điều kiện tính toán đã được xác lập trong quá trình đầu tư. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải chủ động tiếp cận với các DNNVV trong quan hệ vay vốn, đảm bảo đủ vốn cần thiết cho các doanh nghiệp vay khi có các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; chủ động tháo gỡ khó khăn cho DNNVV về các thủ tục vay vốn trong phạm vi cơ chế tín dụng được phép.
Thời gian qua,NHNN đã và đang chỉ đạo chặt chẽ các tổ chức tín dụng (TCTD) ưu tiên vốn đầu tư cho DNNVV, gắn kết ngân hàng với doanh nghiệp, bám sát từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để phục vụ, chia sẻ rủi ro cùng doanh nghiệp. Đối với những DNNVV khó khăn, gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường, các TCTD đã chủ động xem xét xử lý rủi ro trong phạm vi khả năng tài chính cho phép. Riêng đối với những trường hợp vượt khả năng tài chính, NHNN sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý, sớm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận được với vốn vay ngân hàng.
Giang Oanh