|
Năm 2013, nghĩa là chỉ một năm nữa là đến thời điểm hết thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo Luật Đất đai 1993. Hiện có nhiều thông tin khác nhau về việc năm 2013, Nhà nước có thể sẽ chia lại ruộng đất hoặc người dân không được sản xuất trên mảnh đất đang sử dụng, khiến người dân hoang mang. Trao đổi với Báo TN&MT, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định, người dân được tiếp tục sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất khi kết thúc thời hạn.
Ông Chính cho biết:
- Thực hiện quy định của Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định số 64/CP ngày 27 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ, các địa phương đã giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân với thời hạn sử dụng đất là 20 năm và sẽ kết thúc vào năm 2013. Việc tiếp tục sử dụng, gia hạn sử dụng đất đối với các trường hợp này đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều chiều xung quanh việc sử dụng đất nông nghiệp khi thời hạn sử dụng đất sắp hết như có chia lại ruộng đất không? Một số tổ chức tín dụng không nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của người dân có nhu cầu vay vốn để sản xuất do thời hạn ghi trên Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất là 2013; ghi thời hạn như thế nào trên Giấy Chứng nhận đã cấp khi thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch nông thôn mới đang thực hiện ở một số nơi…
Vì vậy, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để các cấp, ban, ngành của địa phương và người dân hiểu rõ pháp luật đất đai về việc được tiếp tục sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất khi kết thúc thời hạn theo quy định tại Điều 67 của Luật Đất đai năm 2003 và Điều 34 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai. Cần sớm có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện quy định về tiếp tục sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối theo quy định của pháp luật đất đai.
* Sau vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), rõ ràng vấn đề thời hạn giao đất nông nghiệp là vấn đề phức tạp, cần được tổng kết, đánh giá để có điều chỉnh cần thiết, thưa ông ?
- Việc giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân với thời hạn sử dụng đất là 20 năm, chủ yếu đã được thực hiện trong những năm đầu triển khai thi hành Luật Đất đai 1993. Pháp luật về đất đai hiện hành đã quy định, khi hết thời hạn thì được tiếp tục sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất nếu người sử dụng đất có nhu cầu. Từ trước khi xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá và đang tổng kết tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về thời hạn giao đất nông nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.
|
* Có ý kiến cho rằng, tới đây, khi sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, nên xóa thời hạn giao đất nông nghiệp, giao ổn định cho nông dân, để họ yên tâm đầu tư, sản xuất trên cánh đồng của mình. Tuy nhiên, có người lại lo ngại, nếu xóa thời hạn, chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề nạn đầu cơ đất, hình thành tầng lớp địa chủ mới. Ông nghĩ sao về điều này ?
- Trong quá trình tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX và tổng kết thi hành Luật Đất đai, có ý kiến đề nghị khi sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 nên bỏ quy định thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; thực hiện giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng không thời hạn (ổn định lâu dài như đối với đất ở) vì như vậy sẽ làm cho người nông dân gắn bó với đồng ruộng, yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần nâng cao trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng đất tiết kiệm.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ quy định giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn do lo ngại rằng, nếu bỏ thời hạn giao đất nông nghiệp sẽ làm giảm đi quyền định đoạt của Nhà nước, người dân dễ ngộ nhận họ có các quyền của chủ sở hữu làm cho việc thu hồi đất của Nhà nước khó khăn.
Tôi cho rằng, nếu thực hiện theo phương án bỏ thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cần thể chế cụ thể vai trò của Nhà nước - chủ sở hữu đất đai trong việc thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai; người sử dụng đất vẫn phải sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy hoạch và chấp hành quyết định thu hồi đất khi Nhà nước cần sử dụng đất đó vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đồng thời, Nhà nước vẫn phải giữ hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp (nên mở rộng hạn mức so với hiện hành) và ban hành chính sách thuế để điều tiết hợp lý nhằm hạn chế việc đầu cơ đất nông nghiệp.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu các phương án về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
* Xin cảm ơn ông.
Nhật Tân (thực hiện)