In bài viết

Hiện đại hóa nông nghiệp để phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung thảo luận vào các vấn đề nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, cạnh tranh được với các sản phẩm nông nghiệp của khu vực và thế giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

20/08/2015 16:33

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo. Ảnh: VGP/Thành Chung

Ngày 20/8, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT và Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh CHN, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tham dự phiên khai mạc.

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết Hội thảo sẽ tập trung phân tích những nội dung chủ yếu, bao gồm 3 khía cạnh lớn.

Một là tổng kết, đánh giá những vấn đề lý luận-thực tiễn về CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam, nhất là trong 30 năm đổi mới; những kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; làm rõ vị trí, vai trò, mối quan hệ của CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trong quá trình CNH-HĐH đất nước.

Hai là, phân tích, đánh giá thành tựu, kết quả và cả những hạn chế, yếu kém, cơ hội và thách thức của CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.

Ba là, đề xuất các quan điểm, định hướng, mục tiêu và giải pháp để đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn là vấn đề chiến lược trong các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trong 5 năm qua, kinh tế-xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng Nhà nước vẫn hết sức cố gắng đầu tư cho “tam nông” tăng 2,22 lần so với các năm trước; tỉ trọng chi cho “tam nông” tăng từ 32,8%  lên 41,1% GDP trong năm 2014.

Nhờ đó, kinh tế-xã hội nói chung, đời sống nông dân nói riêng đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và có ý nghĩa lịch sử. Năm 2014, tăng trưởng nông nghiệp bình quân trên 3%/năm, đời sống nông dân tăng gấp 2 lần so với năm 2010; nông thôn mới thành hiện thực ở nhiều vùng trong cả nước với 10% số xã hoàn thành 19 tiêu chí.

Mặc dù đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử nhưng Phó Thủ tướng cho rằng sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa bền vững, tính cạnh tranh của sản phẩm với khu vực và thế giới còn thấp, đời sống nông dân vẫn còn khó khăn. Nhiều nơi không còn đói ăn, nhưng chưa giàu.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn diện thì nâng cao chất lượng hàng hóa nông nghiệp còn nhiều thách thức. Do vậy, từ Hội thảo này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung thảo luận vào các vấn đề nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, cạnh tranh được với các sản phẩm nông nghiệp của khu vực và thế giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Từ tìm hiểu thực tiễn, Phó Thủ tướng nêu một số vấn đề để các đại biểu thảo luận, góp ý như về quy hoạch sản xuất nông nghiệp, một vấn đề hệ trọng để tránh tình trạng “được mùa rớt giá”.

Về mô hình sản xuất trong bối cảnh mới, Phó Thủ tướng cho rằng phải liên kết các hộ sản xuất  qua các tổ hợp tác để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, năng suất cao; liên kết nông dân với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ.

Trong việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của cả nước mới đạt 120 triệu đồng/ha/năm, Phó Thủ tướng cho rằng “mức này là quá thấp. Vậy phải làm thế nào? Phải chăng là cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật hay ứng dụng cơ giới hóa”… Đây là những nội dung cần làm rõ.


Ảnh: VGP/Thành Chung

Với việc phát triển nguồn nhân lực, đã xuất hiện các mô hình sản xuất công nghệ cao có sản phẩm đáp ứng được thị trường khó tính nhưng phạm vi lại chưa phổ biến, nhất là vùng có lợi thế sản xuất ở khu vực đồng bào thiểu số thì năng suất, chất lượng và trình độ hạn chế. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết cùng một chính sách về sản xuất nông nghiệp nhưng có vùng lại làm tốt, vùng chưa làm tốt. Nguyên nhân của tình hình này cũng cần làm rõ…

Phó Thủ tướng nói Hội thảo này là dịp để các đại biểu phân tích, kiến nghị các chính sách để Chính phủ tiếp thu, đề ra chính sách phù hợp với thực tiễn từng vùng, từ đó có giải pháp đạt được mục tiêu đặt ra.

Thành Chung