In bài viết

Hiến kế giải pháp chống hạn, ngăn mặn Đồng bằng sông Cửu Long

(Chinhphu.vn) - Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Trần Văn Minh (Hà Nội) đại diện nhóm các nhà chuyên môn thủy lợi, thủy điện trong Hội Thủy lợi Việt Nam gửi đến cơ quan chức năng đề xuất "Giải pháp cấp thiết chủ động chống hạn, ngăn mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long".

11/12/2024 11:02

Giải pháp lấy việc điều phối nguồn nước một cách hợp lý của sông Mekong làm cơ sở chính, kết hợp với dung tích hữu ích của các hồ chứa có khả năng hợp tác. Vừa điều phối dòng chảy, vừa sản xuất điện năng đưa về cho đất nước, tiết kiệm kinh phí đầu tư cho nguồn nước.

Giải pháp đưa ra 7 phương án cụ thể, trong đó đề xuất Chính phủ xem xét sử dụng phương án số 7 – Phương án cấp bách trước mắt: Kết hợp điều phối nước thượng lưu, sử dụng các cống ngăn mặn đã và đang xây dựng, các hồ chứa nước nhỏ, các biện pháp thu hẹp cửa sông… Tiến hành điều phối sao cho đáp ứng nhất nhu cầu nước của Đồng bằng sông Cửu Long theo từng thời đoạn tùy vào khả năng điều tiết các hồ được thỏa thuận.

Phương án này triệt để sử dụng khu vực hạ lưu, đồng thời phối hợp đóng mở các cống ngăn mặn, xây bổ sung cống ngăn mặn và các hồ đập nhỏ nội vùng cùng với các phương pháp trữ nước nội vùng tạm thời khác.

Hiến kế giải pháp chống hạn, ngăn mặn Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 1.

Nhóm các nhà chuyên môn thủy lợi, thủy điện trong Hội Thủy lợi Việt Nam đề xuất "Giải pháp cấp thiết chủ động chống hạn, ngăn mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long"

 Về giải pháp nêu trên, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

Trước hết, Cục Thủy lợi trân trọng cảm ơn nhóm tác giả về sự quan tâm, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Những năm gần đây, để chủ động thích ứng với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ và các cơ quan trực thuộc liên quan đã chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp theo định hướng tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và các đề án, chương trình, quy hoạch liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Các giải pháp được thực hiện thực tế đã ứng phó khá hiệu quả với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập thời gian qua.

Mùa khô năm 2019-2020, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 59.000 ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại, bằng 1,96% so với diện tích gieo trồng. Mùa khô năm 2023-2024, các giải pháp ứng phó đã được tổ chức triển khai, cơ bản không gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp trong vùng khuyến cáo nguy cơ ảnh hưởng.

Về nước sinh hoạt, mùa khô năm 2019-2020 có khoảng 96.000 hộ gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn, thấp hơn nhiều so với năm 2015-2016 (gần 210.000 hộ). Mùa khô năm 2023-2024 tổng cộng có 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt nhưng ở mức độ ảnh hưởng thấp hơn so với mùa khô năm 2019-2020 và có giải pháp chủ động hỗ trợ bảo đảm nhu cầu tối thiểu (ăn, uống,...).

Để nghiên cứu, đánh giá kỹ về cơ sở khoa học, tính khả thi của các kịch bản đề xuất, phù hợp với định hướng giải pháp được Đảng và Nhà nước chỉ đạo theo các quy định của pháp luật và đang được tổ chức thực hiện hiệu quả, Cục Thủy lợi đã có văn bản đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, là các đơn vị đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc tư vấn các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hằng năm, để phối hợp nghiên cứu và liên hệ nhóm tác giả để có đề xuất cụ thể theo đúng quy định trong trường hợp khả thi.

Một lần nữa, Cục Thủy lợi trân trọng cảm ơn sự quan tâm của nhóm tác giả đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn.

Chinhphu.vn