Khoản 2 Điều 31 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
Theo ông Hồ Sỹ Thụy (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, sythuysbv@...), Dự thảo cần quy định rõ, ngoài bồi thường thiệt hại về vật chất, Nhà nước còn phải bồi thường bằng tiền cho các thiệt hại khác không tính được bằng tiền, đó là thời gian, công sức, cơ hội,… để Quốc hội cụ thể hóa bằng luật.
“Một khi Nhà nước thực hiện bồi thường một cách thỏa đáng cho những thiệt hại tính được bằng tiền lẫn không tính được bằng tiền thì người dân sẽ đỡ thiệt hại mà việc tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức Nhà nước sẽ được tốt hơn”, ông Thụy viết.
Liên quan đến nội dung khoản 2 Điều 31, ông Hoàng Ngọc Sơn (hoangsonvptu@gmail.com) cũng đề nghị sửa là: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, của tổ chức; người bị thiệt hại do quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, có quyền khởi kiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ra Toà án Dân sự, buộc phải bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và danh dự theo luật định. Cơ quan, cá nhân ra quyết định trái luật phải bồi thường và chịu sự xét xử của pháp luật”.
Theo ông Sơn, viết lại như vậy sẽ nêu rõ hơn việc đảm bảo quyền, lợi ích của công dân theo luật định.
Tương tự, khoản 2 Điều 31 ông Sơn đề nghị chỉnh sửa như sau: “Người bị thiệt hại do bị bắt, bị tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái luật có quyền khởi kiện các cơ quan có liên quan ra Toà án Dân sự, buộc các cơ quan có liên quan phải bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần và danh dự theo luật định. Cá nhân, cơ quan làm trái luật trong việc bắt giam, tạm giam, truy tố và xét xử gây thiệt hại cho người phải bị xét xử trước pháp luật”.
Đồng quan điểm nêu trên, để làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, ông Đoàn Công Thiện (Kiên Giang, thientankg@...) đề nghị thêm cụm từ “…do việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây ra” trong nội dung khoản 2 Điều 31, khoản 4 Điều 32 của Dự thảo: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại do việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây ra có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”.
Ông Trần Quốc Chinh (Bà Rịa – Vũng Tàu, quocchinhvt@...) thì cho rằng: “Chúng ta đã ban hành Luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Do đó, khoản 2 Điều 31 nên sửa thành: “người bị thiệt hại phải được bồi thường…”. Bởi nếu chỉ quy định “có quyền” thì chưa nâng cao được trách nhiệm của nhà nước, khi xảy ra sự việc, người bị thiệt hại có khi lại phải đi “đòi quyền” và cũng có thể lại phát sinh thêm thiệt hại trong quá trình đi “đòi quyền”.
Với nội dung đã phân tích ở trên, ông Chinh cũng đề nghị, thay từ “có quyền” bằng từ “phải được” trong khoản 2, khoản 4 điều 32.
Trong thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các ý kiến góp ý xây dựng của công dân về Dự thảo được gửi qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ được chuyển đến cơ quan chức năng.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân