In bài viết

Hiệp định Paris: Mốc son thắng lợi trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao

(Website Chính phủ) - Cách đây đúng 35 năm, ngày 27/1/1973 tại Paris, "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam", gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam, đã được ký kết. Mỹ buộc phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân đồng binh ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đây được coi là Văn kiện pháp lý quốc tế có ý nghĩa quan trọng nhất, là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go nhất, lâu dài nhất trong lịch sử hơn 50 năm của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

25/01/2008 13:00
 

Hội thảo “35 năm ký Hiệp định Paris về Việt Nam: Ngoại giao Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại” - Ảnh Webiste Chính phủ

Ngày 25/1, cuộc hội thảo với chủ đề “35 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam: Ngoại giao Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại” đã diễn ra tại Hà Nội do Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao tổ chức. Hội thảo nhằm ôn lại lịch sử quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris năm xưa, từ đó rút ra những bài học giá trị cho đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Tham dự hội thảo có nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cùng nhiều đại biểu nguyên là thành viên trong Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, các Đại sứ và nhiều diễn giả đến từ các Bộ, ngành Trung ương.

Hiệp định Paris thể hiện tầm vóc thời đại trong chiến lược, sách lược của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 23/1/1973 giữa đại diện hai Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, được ký chính thức ngày 27/1/1973 giữa bốn Bộ trưởng đại diện các Chính phủ tham dự Hội nghị (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam cộng hòa) tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe (Paris). Hiệp định Paris có hiệu lực từ ngày ký chính thức.

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, Hiệp định Paris chính là cột mốc đánh dấu thắng lợi to lớn, oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, buộc Mỹ và các nước phải công nhận chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Cũng chính chiến thắng này đã đưa dân tộc Việt Nam ta lên hàng ngũ dân tộc tiên phong trên thế giới, đánh thắng hai đế quốc to, đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và mới, là ngọn cờ chiến đấu của phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ, hòa bình và chủ nghĩa xã hội.

Hiệp định Paris đã khẳng định bản chất cách mạng, khoa học, sáng tạo và tầm vóc thời đại trong đường lối chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ta đã nắm vững và vận dụng sáng tạo, thành công chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đây cũng là thắng lợi của tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của cách mạng Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn tinh thần quốc tế vô sản và đoàn kết các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đồng thời, việc ký kết Hiệp định Paris cũng khẳng định sự thành công của đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng ta trong đấu tranh, phối hợp cả ba lực lượng, cả ba thứ quân trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, trong đó ngành ngoại giao Việt Nam có đóng góp cực kỳ quan trọng, thu hút khá lớn sức mạnh tinh thần, vật chất của các lực lượng cách mạng thế giới kết hợp với sức mạnh nhân dân Việt Nam.

Những bài học, kinh nghiệm quý báu từ Hiệp định Paris

Nhiều bài học từ quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam đã và đang phát huy tích cực trong đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Hiệp định Paris đã giúp chúng ta nắm vững đường lối cách mạng; kiên trì mục tiêu cách mạng; biết tạo ra thời cơ, tận dụng thời cơ, giành thế chủ động để đạt mục tiêu cách mạng. Thắng lợi của Hiệp định Paris khẳng định việc thực hiện chủ trương “kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại” luôn đúng trong mọi thời kỳ lịch sử.

Bài học cũng cho thấy, trong bối cảnh mới hôm nay, tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn luôn mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là tầm nhìn về những vấn đề có tính quy luật, xu thế khách quan của lịch sử nhân loại; là trí tuệ và bản lĩnh để khẳng định vị thế Việt Nam; là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi trong quan hệ giữa các nước. Phát huy tinh thần của Hiệp định Paris, ngày nay, công tác đối ngoại có trách nhiệm vụ giữ vững và củng cố môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước nhanh và bền vững; Giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; Nắm vững thông lệ và luật pháp quốc tế; nêu cao tinh thần cảnh giác chống mọi âm mưu can thiệp phá hoại nước ta và tinh thần đoàn kết quốc tế vì mục tiêu hòa bình, độc lập và phát triển của mỗi nước, mỗi dân tộc.

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan: Hiệp định Paris là thắng lợi quan trọng, mở đường cho đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, kết thúc hơn một thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ, mới, đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước Việt Nam.

Nguyên Đại sứ, Nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh: Hiệp định Paris kết tinh sức mạnh và thắng lợi của dân tộc, có ý nghĩa quyết định chiều hướng và kết cục của cuộc chiến tranh. Như vậy, phương thức giành thắng lợi quyết định là kết hợp chiến trường với ngoại giao chứ không phải chỉ bằng tổng tấn công quân sự như trù liệu ban đầu.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Trưởng Ban nghiên cứu lịch sử ngoại giao, Bộ Ngoại giao Vũ Dương Huân: Đàm phán và ký kết thành công Hiệp định Paris đã khích lệ các dân tộc yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do trên thế giới, trước hết là nhân dân các nước Đông Dương khác.

Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Phát thanh Truyền hình Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói VN, trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris là người phát ngôn của Phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Lý Văn Sáu: Hiệp định Paris là kết quả của mặt trận ngoại giao kết hợp với chính trị, quân sự. Các cuộc chiến tranh khác thì dừng đánh để đàm phán nhưng đây là vừa đàm vừa đánh, Hiệp định Paris có những đặc thù, đặc tính riêng mà cho đến nay các nhà sử học, các nhà nghiên cứu vẫn còn nghiên cứu để rút ra nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá.

Giang Oanh