BS.TS. Y học cổ truyền Nguyễn Đình Thuyên, nguyên chuyên viên cao cấp, hàm Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, phụ trách lĩnh vực y tế cho biết: COVID-19 là một loại bệnh nằm trong ôn bệnh của Đông y, do nhiệt gây nên và khi nó lây lan từ người này sang người khác, thì Đông y gọi là ôn dịch.
Ôn bệnh và ôn dịch trong Đông y còn được phân ra theo các mùa: Xuân (gọi là phong ôn) - hạ (gọi là ôn nhiệt, trưởng hạ là thấp ôn) – thu (gọi là ôn táo) - đông (gọi là đông ôn).
Theo BS.TS. Y học cổ truyền Nguyễn Đình Thuyên, tùy theo tình hình dịch bệnh và thực chứng của người bệnh theo tứ thời, người thầy thuốc Đông y có thể vận dụng, lập ra các phương thuốc điều trị cho phù hợp và hiệu quả.
Cổ phương có nhiều bài cụ thể như: Ngân kiều tán (ngân hoa, cát cánh, trúc diệp, kinh giới, liên kiều, bạc hà... có tác dụng tân lương giải biểu, điều trị cho các trường hợp ôn tà còn nằm ở phần biểu - COVID-19 mới xâm nhập vào đường hô hấp trên); Tang cúc ẩm (tang diệp, liên kiều, cát cánh, cam thảo, cúc hoa, bạc hà... có tác dụng tân lương khai thấu để trục tà ở phế vệ ra ngoài, điều trị cho các trường hợp ôn tà còn nằm ở phế vệ – COVID-19 mới xâm nhập gây viêm đường hô hấp trên gây ho nhiều đau họng).
Trường hợp ôn tà vào sâu, bệnh nhân sốt cao, chân tay co giật, thần trí lơ mơ, nói nhảm có bài Bạch hổ thang gia linh dương giác câu đằng hoặc bài Tê giác địa hoàng thang....
"Có thể thấy, các bậc tiền bối Đông phương đã có đầy đủ: Lý, pháp, phương dược để điều trị hiệu quả ôn bệnh và cả ôn dịch. Có điều trong các bài cổ phương một số vị thuốc ngày nay không có và không cho phép sử dụng nhằm bảo vệ nguồn gen quý hiếm như tê giác", BS.TS. Nguyễn Đình Thuyên nói.
Bên cạnh đó, trong Đông y còn có phương pháp phòng bệnh hiệu quả là dưỡng sinh, chủ yếu giữ cho tâm tĩnh (tập thiền, yoga, các bài thể dục dưỡng sinh...) và thân động (các động tác thể dục, bài tập dưỡng sinh...).
Toàn bộ hoạt động của hệ miễn dịch được điều khiển bởi hệ thần kinh thực vật, dưỡng sinh giúp thần kinh thực vật hoạt động tốt hơn.
Dựa trên nguyên lý của y học phương Đông và sau nhiều năm nghiên cứu trên thực tiễn lâm sàng, BS.TS. Nguyễn Đình Thuyên đã lập ra bài thuốc Đồng Cam thanh phế thang (bài Đồng Cam) và bài Phú Thọ chính khí tán (bài Phú Thọ). Hai bài thuốc Đông y này đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Trong đó, bài Đồng Cam có tác dụng thanh phế, hoạt huyết, dưỡng can huyết và trừ nhiệt tà; chủ yếu để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (kể cả vi khuẩn và virus). Bài Phú Thọ có tác dụng bổ thận hoạt huyết và tăng cường chính khí, dùng để giúp điều chỉnh và tăng cường hệ miễn dịch.
Trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp gây nhiều tổn thất về người và của cho toàn nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng, BS.TS. Nguyễn Đình Thuyên đã không ngừng suy nghĩ trăn trở, đem hiểu biết kinh nghiệm và kiến thức y học Đông Tây của mình để điều trị giúp đỡ các trường hợp F0 (bệnh nhân bị ôn dịch).
Thực tế, BS.TS. Nguyễn Đình Thuyên đã điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc ôn bệnh và cả ôn dịch (COVID-19) đạt hiệu quả tốt. Đặc biệt, BS.TS. Nguyễn Đình Thuyên kết hợp cùng PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đưa bài Đồng Cam và bài Phú Thọ vào điều trị cho nhóm các thầy thuốc và người nhà của Bệnh viện Phổi Trung ương bị nhiễm COVID-19 từ nhẹ đến nặng (đã bị viêm vào phổi và phải hỗ trợ thở oxy).
Kết quả cho thấy các bệnh nhân đều tiến triển tốt. Trường hợp nặng, người bệnh phải hỗ trợ thở oxy, BS.TS. Nguyễn Đình Thuyên đã cho dùng kết hợp hai bài thuốc là: Đồng Cam và Phú Thọ.
BS.TS. Nguyễn Đình Thuyên còn đưa ra phương pháp thủy châm vitamin nhóm B vào 2 huyệt Túc tam lý, thực hiện 1 hoặc 2 lần/ tuần trong mùa dịch để tăng cương hệ miễn dịch và phòng bệnh.
Hiện nay, số ca mắc COVID-19 tăng cao khiến nhiều người dân hoang mang, sử dụng các phương pháp điều trị (đông y hoặc tây y) không có căn cứ để tự chữa tại nhà. Điều này gây nhiều hệ lụy như nhiễm độc thuốc, tác dụng phụ. Nhiều người bị nhiễm COVID-19 tự ý mách nhau đun nước lá có hương dầu xông toàn thân. Đây là cách làm sai, vì trong Đông y xông toàn thân chỉ được chỉ định cho người bị nhiễm phong hàn và hàn tà còn nằm ở phần biểu, chống chỉ định với ôn bệnh.
BS.TS. Nguyễn Đình Thuyên cho biết, người bệnh nhiễm COVID-19 sau khi xông toàn thân sẽ toát mồ hôi, tạo cảm giác như nhẹ đi một vài triệu chứng bệnh ban đầu, nhưng sau đó mức độ viêm nhiễm sẽ tăng lên nhanh, rất nguy hiểm (nhiệt tà sẽ xâm nhập vào sâu hơn).
Đối với ôn bệnh, xông mũi họng bằng một số loại hương dầu sẽ mang lại hiệu quả tốt, làm khai khiếu đường mũi-họng để cho dễ thở. Các hương dầu này cũng có tác dụng ức chế virus SARS-CoV-2 sinh sôi, phát triển trên bề mặt niêm mạc đường hô hấp. Nhưng không nên xông nhiều lần, ngày chỉ một lần và nồng độ các hương dầu không quá mạnh, nếu không sẽ làm cháy niêm mạc. Phương pháp này được áp dụng trong giai đoạn bệnh khi còn ở thể nhẹ.
Khi bệnh nặng khó thở, cần dùng thuốc Đông y kết hợp Tây y trong từng giai đoạn. Cụ thể, khi COVID-19 chưa viêm nhiễm vào phổi, BS.TS. Nguyễn Đình Thuyên chỉ định cho dùng bài Đồng Cam; khi bắt đầu có viêm vào phổi, chỉ định dùng kết hợp bài Đồng Cam và bài Phú Thọ; nếu bệnh nhân có suy hô hấp thì vừa kết hợp hai bài trên và vừa cho thở oxy hỗ trợ.
Theo BS.TS. Nguyễn Đình Thuyên, giai đoạn hậu COVID-19 có rất nhiều vấn đề với các triệu chứng mệt mỏi, ăn uống kém, rối loạn giấc ngủ, đầu óc không tỉnh táo, hay quên… Hai bài thuốc Đông y là Đồng Cam và Phú Thọ cũng sẽ giúp cho người bệnh phục hồi, qua thực tế các bệnh nhân sau khi sử dụng đã cho kết quả tốt, các triệu chứng trên đã giảm hẳn hoặc không còn nữa.
Thiện Tâm