In bài viết

Hiệu quả đồng vốn nhân văn trên quê hương cách mạng Đăk Tô

(Chinhphu.vn) - Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đồng bào các dân tộc xã Đăk Tô, tỉnh Quảng Ngãi có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) trở thành "đòn bẩy" giúp người dân sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nghèo bền vững, từng bước làm giàu, bảo đảm an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.

10/07/2025 14:38
Hiệu quả đồng vốn nhân văn trên quê hương cách mạng Đăk Tô- Ảnh 1.

Cán bộ NHCSXH tạo điều kiện thuận lợi nhất giải ngân vốn cho người dân.

Vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng

Phòng giao dịch NHCSXH Đăk Tô hiện phụ trách địa bàn 3 xã mới là Kon Đào, Ngọk Tụ, Đăk Tô (thuộc huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum cũ). Đây là vùng quê có lịch sử truyền thống cách mạng với 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 50,86% dân số.

Những ngày đầu tháng 7/2025, về miền núi Đăk Tô với những con đường nhựa, bê tông mở rộng, phẳng lì; những vùng quê yên ả, thanh bình, minh chứng về sự thay đổi rõ rệt tại các làng quê. Thành quả đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó, phải kể đến những đóng góp thiết thực, hiệu quả của NHCSXH trên địa bàn Đăk Tô.

Đến thăm gia đình chị Y Loan, dân tộc Xơ Đăng ở xã Ngọc Tụ, trường hợp nhiều năm liền là hộ nghèo. Năm 2023, chị được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) để thực hiện chuyển đổi từ trồng sắn (khoai mì) sang chăn nuôi gia súc. Với số tiền vay được, chị mua 1 con trâu và 5 con bò. Đàn gia súc hiện đã có trên 10 con, có của ăn của để. Gia đình hiện đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. 

Thăm gia đình bà Lê Thị Lan, tổ 7, xã Đăk Tô, gia đình bà vay 50 triệu đồng từ chương trình Hỗ trợ việc làm để trồng 2 ha cao su. Bà Lan cho biết: "Trước đây, nhà tôi rất khó khăn, may nhờ đồng vốn của NHCSXH nên hiện kinh tế đã khá hơn nhiều, từ nguồn thu bán mủ cao su, gia đình tôi đã mua thêm 3 con bò, trồng thêm 7 sào cà phê đang phát triển rất tốt". Ánh mắt bà Lan như ánh lên niềm vui về cuộc đổi đời đã đến với gia đình bà như một niềm tin không bao giờ tắt.

Từ nguồn vốn TDCS, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như: "Tổ liên kết chăn nuôi bò sinh sản tại hộ gia đình" ở thôn 5 (Diên Bình) được thành lập với 14 thành viên. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, các hội viên mua 38 con bò giống để cùng nhau chăn nuôi. Sau hơn 3 năm, đến nay mô hình đã có 28 hội viên, với đàn bò là 106 con. Các hội viên đều sử dụng vốn đúng mục đích, chăn nuôi hiệu quả, tạo việc làm, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đăk Tô chia sẻ, thông qua những buổi sinh hoạt của mô hình, các thành viên được trao đổi, thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức bổ ích, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, phát triển kinh tế. Từ đó, mô hình được nhân rộng, đặc biệt là thu hút hội viên người dân tộc thiểu số tham gia.

Hiệu quả đồng vốn nhân văn trên quê hương cách mạng Đăk Tô- Ảnh 2.

Tín dụng chính sách giúp người dân Đăk Tô thâm canh cà phê hiệu quả

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Đăk Tô Bùi Thị Nga cho biết: "Điểm nổi bật trong hoạt động TDCS là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị. Dòng vốn TDCS đã phát huy tác dụng, trở thành trợ lực quan trọng, trụ cột giảm nghèo, đồng hành với những người nông dân cần cù, có khát vọng vươn lên có vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo, làm giàu từ đồng vốn nhân văn".

Đến nay, tổng nguồn vốn từ ngân sách huyện Đăk Tô (cũ) chuyển sang NHCSXH để cho vay là trên 10 tỷ đồng.

Tính đến ngày 10/7/2025, Phòng giao dịch NHCSXH Đăk Tô đạt tổng dư nợ trên 530 tỷ đồng, với 6.924 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng. Vốn TDCS đã giúp cho 658 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 1.873 lao động, 34 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng 5.220 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây mới 94 căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 

Theo Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tô A Hơn, sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã giúp nguồn vốn không những tăng trưởng nhanh, mà hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy tích cực, hiệu quả, tô đậm thêm một chủ trương đầy tính nhân văn của Đảng.

Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Đăk Tô Hoàng Thị Thu Trâm cho biết, Phòng giao dịch NHCSXH Đăk Tô đã triển khai ứng dụng giáo dục số, chuyển đổi số cho khách hàng, phần mềm VBSP Smart Banking đến toàn thể 100% cán bộ của đơn vị và cán bộ nhận ủy thác.

Các dịch vụ thường xuyên được sử dụng như chuyển tiền lương, chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán tiền điện, nước… cơ bản đã đáp ứng nhu cầu và được giao dịch thường xuyên, thực hiện đăng ký thông tin sinh trắc học qua ứng dụng VBSP Smart Banking. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng quản lý TDCS, tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng. Hiện nay, trên địa bàn có 5.774/7.212 khách hàng tham gia, đạt tỉ lệ 80%; 149/150 tổ tiết kiệm vay vốn tham gia, đạt tỉ lệ 99%. Chất lượng tín dụng luôn được nâng được cao, nợ quá hạn hiện chỉ còn 0,28%/ tổng dư nợ.

Hiệu quả đồng vốn nhân văn trên quê hương cách mạng Đăk Tô- Ảnh 3.

Cán bộ NHCSXH Đăk Tô kiểm tra hiệu quả vốn vay đầu tư chăn nuôi.

Bảo đảm dòng vốn thông suốt, kịp thời sau sáp nhập

Sau khi hợp nhất, Phòng giao dịch NHCSXH Đăk Tô triển khai nghiêm túc hoạt động giao dịch nhằm bảo đảm hoạt động TDCS ổn định, thông suốt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, mang đến sự yên tâm, hài lòng cho khách hàng. Chính quyền xã chỉ đạo sát sao, quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và cử cán bộ công an có mặt tại điểm giao dịch xã nhằm bảo đảm mọi hoạt động giao dịch diễn ra an toàn, hiệu quả.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Đăk Tô Bùi Thị Nga cho biết: "Sau khi sáp nhập xã, chúng tôi tiếp tục duy trì 9 điểm giao dịch tại 9 xã, thị trấn như trước. Lịch giao dịch tại xã được thực hiện vào một ngày cố định hằng tháng như trước khi sáp nhập, các phiên giao dịch thông suốt, an toàn, hiệu quả. Nhờ đó, hoạt động giải ngân, cho vay, thu nợ diễn ra bình thường. Người dân thuận lợi trong việc di chuyển, không phải đi lại xa".

Cùng với đó, dấu ấn nổi bật thời gian qua là đơn vị đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có đạo đức nghề nghiệp và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân, tận tụy thực hiện nhiệm vụ với phương châm "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ".

Có thể khẳng định, nguồn vốn nhân văn đã bắc nhịp cầu phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho người nghèo và các đối tượng chính sách mà hơn cả là vì sự phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Dòng vốn TDCS đã và đang chảy đều đặn, thấm sâu trong lòng đất, nảy mầm, sinh sôi trên vùng quê cách mạng Đăk Tô đang vươn mình đi tới.

Nguyễn Văn Chiến