Sắp xếp đơn vị hành chính: Giảm biên chế, tiết kiệm chi, tập trung nguồn lực
Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Ánh Dương cho biết: Hiện Bộ Nội vụ đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030; trong quá trình xây dựng, nếu có những cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sắp tới xem xét để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tạo thuận lợi cho các địa phương tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Theo đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho phát triển kinh tế-xã hội trong từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc; nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân.
Phấn đấu đến năm 2030, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; từ năm 2022-2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019-2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.
Theo Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2019-2021, cả nước có 19 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đạt đủ 50% cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số trong giai đoạn 2019-2021 thuộc diện phải sắp xếp; trong quá trình thực hiện phát sinh 4 đơn vị thuộc diện khuyến khích và 08 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp. Như vậy, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 31 đơn vị.
Kết quả, đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 09 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 04 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 08 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp.
Sau khi sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện nêu trên, số lượng ĐVHC cấp huyện trong cả nước từ 713 đơn vị giảm xuống còn 705 đơn vị.
Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, cả nước có 626 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đạt đủ 50% cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số trong giai đoạn 2019-2021 thuộc diện phải sắp xếp; trong quá trình thực hiện phát sinh 117 đơn vị thuộc diện khuyến khích và 398 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp. Như vậy, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.141 đơn vị.
Kết quả sắp xếp đến nay đã thực hiện sắp xếp 1.056 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với 541 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 117 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 398 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp. Trong 1.056 đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp, có 04 trường hợp nhập 04 đơn vị hành chính cấp xã thành 01 đơn vị hành chính cấp xã mới; 85 trường hợp nhập 03 đơn vị hành chính cấp xã thành 01 đơn vị hành chính cấp xã mới; 338 trường hợp nhập 02 đơn vị hành chính cấp xã thành 01 đơn vị hành chính cấp xã mới; điều chỉnh địa giới hành chính 95 đơn vị cấp xã có làm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã; điều chỉnh địa giới hành chính 11 đơn vị cấp xã nhưng không làm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã và giải thể 03 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi .
Chưa thực hiện sắp xếp 85 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp do các địa phương đề nghị vì các lý do tương tự như đối với đơn vị hành chính cấp huyện nêu trên.
Sau khi thực hiện sắp xếp 1.056 đơn vị hành chính cấp xã nêu trên, số lượng đơn vị hành chính cấp xã trong cả nước từ 11.160 đơn vị giảm xuống còn 10.599 đơn vị, giảm 561 đơn vị. Trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: Hòa Bình giảm 59/210 đơn vị (tỉ lệ giảm 28,09%); Cao Bằng giảm 38/199 đơn vị (tỉ lệ giảm 19,09%); Phú Thọ giảm 52/277 đơn vị (tỉ lệ giảm 18,77%); Hà Tĩnh giảm 46/262 đơn vị (tỉ lệ giảm 17,56%); Thanh Hóa giảm 76/635 đơn vị (tỉ lệ giảm 11,97%)…
Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực như góp phần tinh gọn bộ máy với việc cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện; tinh giản biên chế, sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, đã giảm được 361/706 cán bộ, công chức cấp huyện (bằng 51,1%) và 6.657/9.705 cán bộ, công chức cấp xã (bằng 68,6%); tiết kiệm chi ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng…
Bên cạnh kết quả đạt được thời gian qua, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gặp một số bất cập, hạn chế, vướng mắc như trong việc xây dựng, lựa chọn phương án điều chỉnh, sắp xếp các đơn vị hành chính để ảnh hưởng đến số lượng ít nhất các đơn vị hành chính, duy trì được các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, phù hợp với đặc điểm địa hình, quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội…
Chính vì quá phụ thuộc vào các yếu tố này nên khi xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính, rất ít địa phương chọn được phương án để các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp có thể bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định mà phần lớn vẫn còn chưa đạt hoặc nếu có cũng chỉ đạt một trong 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số.
Việc xác định các yếu tố đặc thù không thể hoặc không nên tiến hành sắp xếp, thay đổi về địa giới đơn vị hành chính cũng gặp không ít khó khăn bởi đơn vị nào cũng có đặc trưng, đặc thù về truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, vị trí địa lý, quốc phòng, an ninh,… có địa phương lấy yếu tố đặc thù làm lý do để không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính nhưng phần lý giải chưa thật sự rõ ràng, thuyết phục.
Trong quá trình sắp xếp cũng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù giữa các đơn vị hành chính sắp xếp với nhau, như giữa đơn vị hành chính được công nhận là nông thôn mới với đơn vị hành chính chưa được công nhận nông thôn mới; giữa đơn vị hành chính thuộc khu vực đặc biệt khó khăn đang được Nhà nước đầu tư hỗ trợ với đơn vị hành chính không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn; hay là giữa đơn vị hành chính được công nhận anh hùng với đơn vị hành chính chưa được công nhận anh hùng….
Hoặc như việc xác định tên gọi của các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp, có trường hợp cử tri không đồng ý với phương án sắp xếp chỉ vì không đồng ý với tên gọi của đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau sắp xếp. Có địa phương thì thống nhất lấy tên của một trong các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; có nơi thì ghép tên đầu-cuối của các đơn vị thực hiện sắp xếp nhưng như vậy thì tên gọi mới không còn ý nghĩa sâu sắc như nguyên gốc; có địa phương thì lấy tên gọi hoàn toàn mới.
So với việc nhập 02 đơn vị hành chính thành một đơn vị và giữ nguyên tên gọi của một đơn vị hành chính cũ thì việc ghép tên hoặc đổi tên đơn vị hành chính mới sẽ làm tăng gấp 02 lần khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho tổ chức, cá nhân ở các đơn vị hành chính chịu sự tác động, có thể gây lãng phí. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc này cần rút kinh nghiệm cho việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn sau.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, các địa phương thực hiện các giải pháp như giải quyết nghỉ hưu theo chế độ; vận động nghỉ tinh giản biên chế theo quy định, nghỉ hưu trước tuổi để nhường cơ hội cho lớp trẻ…
Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư thời gian qua có thuận lợi do các địa phương đều đang tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian dài chưa thực hiện tuyển dụng mới hoặc rất hạn chế bổ sung người làm việc mới khi có cán bộ, công chức nghỉ hưu nên còn vị trí khuyết trống trong bộ máy để điều chuyển. Số lượng biên chế cán bộ, công chức giảm được sau khi sắp xếp đơn vị hành chính (do nghỉ hưu trước và đúng tuổi, thực hiện tinh giản biên chế) ở cấp xã là 3.595 người, ở cấp huyện là 141 người, điều này đã góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện tinh giản biên chế.
Theo đó, tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.403 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.709 người; số dôi dư là 9.705 người.
Vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng; địa phương không có kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí. Việc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp các trụ sở cơ quan, đơn vị dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn một số tỉnh còn chậm và có nhiều bất cập.
Việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn gặp nhiều khó khăn do có vị trí nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội kém phát triển, giá trị giảm do không còn nằm ở khu vực trung tâm, không thuận lợi để kinh doanh du lịch, thương mại, dịch vụ; khó tìm được người tham gia đấu giá do chưa có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn và điều kiện kinh tế của người dân địa phương còn khó khăn.
Một trong những việc gây khó khăn cho người dân là cấp đổi đồng loạt giấy tờ, điều này làm tăng khối lượng công việc của cơ quan nhà nước và người dân chưa hiểu rõ nên có ý kiến cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính gây khó khăn cho người dân do phải thực hiện thêm nhiều thủ tục hành chính.
Giai đoạn tới sẽ tiến hành sắp xếp với số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn nhiều hơn so với giai đoạn 2019-2021. Do đó cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền; kiên trì vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian tới: Cần gắn sắp xếp đơn vị hành chính các cấp với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho phát triển kinh tế-xã hội trong từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc; nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp vừa căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số; đồng thời, phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý-tự nhiên, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải có các chính sách vượt trội để giải quyết chế độ hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và có lộ trình bố trí, sắp xếp hợp lý để bảo đảm đúng số lượng quy định; có các giải pháp để thực hiện tốt các chính sách đặc thù cho người dân tại các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp.
Lê Sơn