In bài viết

Hiệu suất sử dụng điện đang giảm

(Chinhphu.vn) - Theo thống kê, lượng điện tiêu hao/GDP (kWh/1.000 đồng GDP theo giá so sánh năm 2010) đã tăng lên qua các năm (năm 2005 là 32,8, năm 2010 là 42,5, năm 2011 là 44,3, năm 2012 là 47,6. Điều đó chứng tỏ, để sản xuất ra 1.000 đồng GDP đã tiêu tốn điện nhiều hơn.

19/06/2013 09:09

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Ở đây có nguyên nhân về thiết bị, công nghệ cũ, lạc hậu tiêu tốn điện năng nhiều hơn; mặt khác là do cơ cấu ngành sản xuất những ngành tiêu tốn điện năng lớn lại tăng lên.

Trong khi đó, giá điện chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường, nên các dự án FDI thuộc những ngành tiêu tối điện năng lớn (chẳng hạn như thép) được hưởng lợi. Tỷ lệ thất thoát điện cao, kéo dài trong nhiều năm ở mức hai chữ số, một mặt do thất thoát trên đường dây, mặt khác do việc quản lý chưa tốt còn để mất cắp. Việc sử dụng điện ở không ít nơi công cộng, các cơ quan hành chính, sự nghiệp và của các hộ tiêu dùng vẫn còn lãng phí. Việc sản xuất các phương tiện tiêu dùng tốn ít điện chưa nhiều, tuyên truyền chưa rộng rãi và chuyển biến thành hành động chưa nhiều.

Sản lượng điện trong 5 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để sản lượng điện năm 2013 đạt đỉnh cao mới có thể vượt qua mốc 125 tỷ kWh. Cơ cấu nguồn điện đã có sự chuyển dịch so với nhiều năm trước. Trong tổng sản lượng điện năm 2012, điện chạy khí chiếm 39,4%, thuỷ điện chiếm 38,8%, điện chạy than chiếm 21,4%, chạy dầu chiếm 0,4%, nhưng nguồn điện “sạch” là điện gió, điện nhiệt mặt trời chưa phổ biến, sản lượng chưa đáng kể.

Trong khi đó nguồn than trữ lượng không còn nhiều, việc khai thác ngày một khó, việc bán trong nước thì rẻ, xuất khẩu giá cao hơn nhưng lại nhập khẩu điện đắt hơn. Thủy điện chiếm tỷ trọng khá, có giá rẻ, nhưng cũng có những hiệu ứng phụ với nhiều bàn cãi về môi trường, nông, lâm nghiệp… Do vậy, cần hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn địa điểm trong việc phát triển thủy điện.

Mặt khác, sản lượng điện tuy tăng với tốc độ cao (trung bình 12,9% trong giai đoạn 2005-2012) nhưng do có một phần từ điểm xuất phát thấp nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất, đời sống. Lượng điện nhập khẩu hàng năm vẫn còn lớn; tình trạng cắt, mất điện vẫn còn xảy ra hoặc luân phiên, hoặc do quá tải trong giờ cao điểm. Thời gian tới, khi sản xuất kinh doanh hồi phục tăng trưởng, khi thu nhập của dân cư tăng, thì tình trạng thiếu điện sẽ lặp lại. Vì vậy, có hai nhóm giải pháp cần quan tâm.

Nhóm giải pháp thứ nhất là tăng sản lượng điện với tốc độ cao hơn, trên cơ sở cơ cấu lại nguồn điện…

Nhóm giải pháp thứ hai là sử dụng tiết kiệm điện, trên cơ sở nâng cao hiệu suất sử dụng trong sản xuất, giảm tổn thất điện và sử dụng điện tiết kiệm.

Điện là hệ thống gồm sản xuất, truyền tải, phân phối, sử dụng, nên cơ sở để thực hiện cạnh tranh cũng gặp khó khăn. Điện là đầu vào, tác động sâu đến sản xuất, đời sống…, nên việc thực hiện lộ trình giá thị trường cũng khó khăn, kéo dài và mỗi lần điều chỉnh đều có tác động lớn đến sản xuất, đời sống và dư luận. Vì vậy, một mặt phải tạo điều kiện cho sự cạnh tranh, bởi cạnh tranh là động lực của phát triển, tạo điều kiện cho việc giảm giá; mặt khác, cần minh bạch hoá chi phí, rà soát kỹ trước khi điều chỉnh.

Minh Nhung