Theo phản ánh của Công ty TNHH CODE ONE, liên quan đến cam kết chọn - bỏ tại Hiệp định CPTPP, Chương 10 của Hiệp định là về cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, Chương 9 là về các khoản đầu tư. Vấn đề Công ty quan tâm là chọn – bỏ trong dịch vụ đối với Hiện diện thương mại, tức là nhà đầu tư đến Việt Nam để thành lập tổ chức kinh tế để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam (không phải cung cấp xuyên biên giới) thì lại không thấy phù hợp với Chương 9 và Chương 10.
Tại Chương 2 của Hiệp định cũng có nêu về “mở cửa thị trường hàng hóa”, mà đối với hàng hóa thì Hiệp định WTO cũng đã mở cửa chứ không hạn chế như đối với dịch vụ.
Công ty TNHH CODE ONE hỏi, cam kết chọn-bỏ (tức là chỉ cấm những gì được liệt kê trong Danh mục NCM 1&2 trong Hiệp định) đối với dịch vụ dành cho Hiện diện thương mại tại Việt Nam được quy định tại Chương, Điều nào trong Hiệp định CPTPP? Nếu không có (tức là chỉ mở cửa đối với Dịch vụ xuyên biên giới) thì liệu có thể nói đây là một Hiệp định tiến bộ?
Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời như sau:
Tiếp cận chọn - bỏ đối với cam kết mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư
Hiệp định CPTPP áp dụng cách tiếp cận chọn - bỏ đối với cam kết mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư. Theo đó, quy định về cách tiếp cận này được liệt kê cụ thể tại Khoản 1, 2 của Điều 9.12. Các Biện pháp không tương thích thuộc Chương 9 - Đầu tư, và Khoản 1, 2 của Điều 10.7. Các Biện pháp không tương thích thuộc Chương 10 - Thương mại Dịch vụ xuyên biên giới, cụ thể như sau:
- Khoản 1, 2 Điều 9.12. Các Biện pháp không tương thích thuộc Chương 9. Đầu tư:
“1. Điều 9.4 (Đối xử quốc gia), Điều 9.5 (Đối xử Tối huệ quốc), Điều 9.10 (Yêu cầu thực hiện) và Điều 9.11 (Quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị) không áp dụng đối với:
(a) Bất kỳ biện pháp hiện hành không tương thích được duy trì bởi một Bên tại:
(i) chính quyền trung ương, theo bảo lưu của Bên đó tại Biểu Phụ lục I của mình,
(ii) chính quyền cấp vùng, theo bảo lưu của Bên đó tại Biểu Phụ lục I của mình, hoặc
(iii) chính quyền địa phương;
(b) Việc tiếp tục áp dụng hoặc làm mới các biện pháp không tương thích nêu tại đoạn (a); hoặc
(c) Việc sửa đổi các biện pháp không tương thích nêu tại đoạn (a) trong chừng mực việc sửa đổi này không giảm mức độ tương thích của biện pháp đó, như đã tồn tại ngay trước thời điểm sửa đổi, với Điều 9.4 (Đối xử quốc gia), Điều 9.5 (Đối xử Tối huệ quốc), Điều 9.10 (Yêu cầu thực hiện) và Điều 9.11 (Quản lý cấp cao và Ban Giám đốc).
2. Điều 9.4 (Đối xử quốc gia), Điều 9.5 (Đối xử Tối huệ quốc), Điều 9.10 (Yêu cầu thực hiện) và Điều 9.11 (Quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị) không áp dụng đối với biện pháp mà một Bên ban hành hoặc duy trì đối với các ngành, phân ngành, hoặc hoạt động, theo bảo lưu của Bên đó tại Biểu Phụ lục II của mình”.
- Khoản 1, 2 Điều 10.7. Các Biện pháp không tương thích thuộc Chương 10. Thương mại Dịch vụ xuyên biên giới:
“1. Điều 10.3 (Đối xử quốc gia), 10.4 (Đối xử tối huệ quốc), 10.5 (Tiếp cận thị trường) và 10.6 (Hiện diện tại nước sở tại) không áp dụng đối với:
(a) Bất kỳ biện pháp không tương thích nào được một Bên duy trì ở cấp:
(i) trung ương, như đã được Bên đó nêu trong Biểu cam kết của mình trong Phụ lục I;
(ii) khu vực, như đã được Bên đó nêu trong Biểu cam kết của mình trong Phụ lục I; hoặc
(iii) cấp địa phương;
(b) Việc tiếp tục hoặc gia hạn bất kỳ biện pháp không tương thích nào được dân chiếu trong đoạn (a); hoặc
(c) Sửa đổi đối với bất kỳ biện pháp không tương thích nào được dẫn chiếu trong đoạn (a) ở mức mà sửa đổi đó không làm giảm sự tương thích của biện pháp với các Điều 10.3 (Đối xử quốc gia), 10.4 (Đối xử tối huệ quốc), 10.5 (Tiếp cận thị trường) và 10.6 (Hiện diện tại nước sở tại) so với lúc trước khi sửa đổi.
2. Điều 10.3 (Đối xử quốc gia), 10.4 (Đối xử tối huệ quốc), 10.5 (Tiếp cận thị trường) và 10.6 (Hiện diện tại nước sở tại) không áp dụng đối với bất kỳ biện pháp nào được một Bên thông qua hoặc duy trì liên quan đến các ngành, phân ngành, hoặc hoạt động, như được nêu trong Biểu cam kết của mình trong Phụ lục II”.
Riêng Việt Nam, ta có thời gian chuyển tiếp là 3 năm không phải áp dụng nguyên tắc “chỉ tiến không lùi - cơ chế ratchet” đối với quy định tại Khoản 1(c) của Điều 9.12 và Khoản 1(c) của Điều 10.7. Quy định này được cụ thể hóa tại:
- Phụ lục 9-I Cơ chế điều chỉnh các biện pháp không tương thích (Cơ chế ratchet) thuộc Chương 9:
“1. Không ảnh hưởng đến Điều 9.12.1(c) (Các biện pháp Không tương thích), đối với Việt Nam trong 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam:
(a) Điều 9.4 (Đối xử Quốc gia), Điều 9.5 (Đối xử Tối huệ quốc), Điều 9.10 (Yêu cầu Thực hiện) và Điều 9.11 (Quản lý Cấp cao và Hội đồng quản trị) không áp dụng đối với việc sửa đổi bất kỳ biện pháp không tương thích nào nêu tại Điều 9.12.1(a) (Các biện pháp Không tương thích) trong chừng mực việc sửa đổi này không giảm mức độ tương thích của biện pháp đó, như đã tồn tại vào ngày có hiệu lực của Hiệp định này với Việt Nam, đối với Điều 9.4 (Đối xử Quốc gia), Điều 9.5 (Đối xử Tối huệ quốc), Điều 9.10 (Yêu cầu Thực hiện) và Điều 9.11 (Quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị);
(b) Khi có cơ sở về việc nhà đầu tư hoặc đầu tư theo Hiệp định này đã tiến hành các hoạt động cần thiết, Việt Nam sẽ không rút lại quyền hay lợi ích của nhà đầu tư hoặc đầu tư theo Hiệp định này của Bên khác thông qua việc sửa đổi các biện pháp không tương thích nêu tại Điều 9.12.1(a) (Các biện pháp Không tương thích) mà giảm mức độ tương thích của biện pháp đó như đã tồn tại ngay trước khi sửa đổi;
(c) Việt Nam sẽ cung cấp cho các Bên thông tin chi tiết việc sửa đổi bất kỳ biện pháp không tương thích nào nêu tại Điều 9.12.1(a) mà việc sửa đổi này làm giảm mức độ tương thích của biện pháp đó so với thời điểm ngay trước khi sửa đổi ít nhất 90 ngày trước khi tiến hành sửa đổi”.
- Phụ lục 10-C Cơ chế ‘chỉ tiến không lùi’ đối với các biện pháp không tương thích (Cơ chế ratchet) thuộc Chương 10:
“1. Cho dù đã có quy định tại Điều 10.7.1(c), đối với Việt Nam trong vòng 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực:
(a) Các điều 10.3 (Đối xử quốc gia), 10.4 (Đối xử tối huệ quốc), 10.5 (Tiếp cận thị trường) và 10.6 (Hiện diện tại nước sở tại) không áp dụng cho các sửa đổi đối với bất kỳ biện pháp không tương thích nào được đề cập trong Điều 10.7.1(a) ở mức mà sửa đổi đó không làm giảm sự tương thích của biện pháp với các điều 10.3 (Đối xử quốc gia), 10.4 (Đối xử tối huệ quốc), 10.5 (Tiếp cận thị trường) và 10.6 (Hiện diện tại nước sở tại) so với thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam;
(b) Việt Nam sẽ không rút lại quyền hay lợi ích của các nhà cung cấp dịch vụ của Bên khác, mà trên cơ sở đó, nhà cung cấp dịch vụ đã có những hoạt động triển khai cụ thể, khi sửa đổi bất kỳ biện pháp không tương thích nào được nêu trong Điều 10.7.1(a) mà làm giảm sự tương thích của biện pháp so với lúc trước khi sửa đổi; và
(c) Việt Nam sẽ cung cấp cho mỗi Bên chi tiết bất kỳ sửa đổi nào đối với bất kỳ biện pháp không tương thích nào được nêu trong Điều 10.7.1(a), mà sẽ làm giảm sự tương thích của biện pháp so với lúc trước khi sửa đổi, ít nhất 90 ngày trước khi tiến hành sửa đổi”.
Cách hiểu phương pháp tiếp cận chọn - bỏ
Đối với lĩnh vực dịch vụ - đầu tư, các nước CPTPP được quyền đưa ra các biện pháp bảo lưu trái với 4 nghĩa vụ chính của chương Dịch vụ (Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc, Tiếp cận thị trường, và Hiện diện tại nước sở tại) và 4 nghĩa vụ chính của Chương Đầu tư (Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc, Yêu cầu thực hiện, và Quản lý nhân sự Cấp cao và Ban giám đốc) dưới hình thức là một danh mục gọi là “Danh mục các biện pháp bảo lưu không tương thích với nghĩa vụ chính của chương Dịch vụ và chương Đầu tư” (gọi tắt là danh mục NCM dịch vụ - đầu tư).
Ngoài ra, mọi biện pháp quản lý, nếu không có yếu tố phân biệt đối xử, đều được phép duy trì mà không cần phải bảo lưu trong Hiệp định.
Danh mục NCM dịch vụ - đầu tư đều bao gồm 2 Phụ lục:
- Phụ lục I: gọi là Phụ lục bảo lưu các biện pháp hiện hành, bao gồm các biện pháp không tương thích với các nghĩa vụ về đầu tư và thương mại dịch vụ được quy định tại các văn bản pháp luật hoặc chính sách hiện hành của một nước thành viên. Đối với các biện pháp được liệt kê trong Phụ lục này, các nước được tiếp tục áp dụng theo đúng nội dung đã được mô tả. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm sau:
Các nước được quyền sửa đổi nội dung bảo lưu nhưng với điều kiện việc sửa đổi không được kém thuận lợi hơn nội dung đã được bảo lưu trong Phụ lục. Nguyên tắc này gọi là nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng (standstill)”.
Các nước được quyền đơn phương sửa đổi các nội dung đã bảo lưu theo hướng thuận lợi hơn nhưng khi đã đưa ra rồi thì không được quyền rút lại nội dung đã được sửa đổi đó. Nguyên tắc này còn được gọi là nguyên tắc “chỉ tiến, không lùi (ratchet)”.
Ngoài ra, trong thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Việt Nam không phải tuân thủ nguyên tắc ratchet. Đây là linh hoạt mà các nước CPTPP dành riêng cho Việt Nam.
- Phụ lục II: Gọi là Phụ lục bảo lưu các biện pháp lâu dài, bao gồm các biện pháp không tương thích với các nghĩa vụ về đầu tư và thương mại dịch vụ mà các nước không muốn loại bỏ trong giai đoạn hiện tại và muốn bảo lưu lâu dài. Đối với Phụ lục này, các nước được toàn quyền đưa ra các nội dung trái với các nghĩa vụ chính của Hiệp định hoặc toàn quyền hạn chế nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực được bảo lưu.