In bài viết

Hiểu thêm về tàu điện một ray

Tàu điện một ray có nhiều ưu điểm như cấu trúc gọn, di chuyển êm, không gây ồn, hiệu quả vận chuyển hành khách cao. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho loại này thấp hơn loại hình tàu điện khác, có thể xây dựng ngay trên dải phân cách.

07/04/2012 10:58

Trong khi tàu điện ngầm rất tốn kém (30-40 triệu USD mỗi km), thời gian triển khai lâu, kỹ thuật cao thì tàu điện một ray có chi phí đầu tư thấp (khoảng 8 triệu USD), triển khai nhanh. “Tàu điện một ray rất thích hợp với các đô thị lớn bởi khả năng giải quyết nạn kẹt xe và hạn chế ô nhiễm môi trường” một chuyên gia kinh tế nhận xét.

Ông Tee Chun Yeh, chuyên gia của Tập đoàn Scomi (Malaysia) cho biết, tàu một ray đã xuất hiện ở Malaysia từ năm 2003. Tàu chiếm diện tích đất chiều ngang khoảng 4,5 m, trong khi tàu điện hai ray chiếm từ 8 đến 10 m. Tàu một ray cũng thân thiện với môi trường, khi xây dựng không làm ảnh hưởng tới giao thông trên tuyến. Tàu có thể nối dài đến 8 toa khi cần tăng công suất chuyên chở.

Tàu điện 1 ray chạy bằng nguồn điện một chiều hoặc động cơ Hybrid nên không gây ô nhiễm môi trường. Tàu sử dụng bánh lốp chạy trên dầm bê tông dự ứng lực, nên không gây tiếng ồn. Nó có vận tốc khoảng 60-90km/h. Đường của tuyến giao thông này chỉ có một ray, trên đó có 2 tuyến đường song song nhau di chuyển 2 chiều.

Tàu điện 1 ray là một tổ hợp các toa hành khách nối liền nhau hoặc một toa lớn có thể vận chuyển gần 200 người, thời gian giãn cách mỗi đoàn tàu tối thiểu 90 giây nên năng lực vận chuyển có thể đạt 40.000 lượt người một giờ. Số toa có thể linh hoạt điều chỉnh phụ thuộc khi muốn tăng hay giảm công suất. Mỗi toa có 2 hệ thống bánh nằm ngang, nằm trên và có hệ thống bám ngang, bám dưới nhằm chống rung lắc và không thể lật. Đáng chú ý, loại phương tiện này phù hợp với mọi loại địa hình, việc xây dựng không quá phức tạp, dễ thi công và khi vận hành không ồn và an toàn tuyệt đối.

Tuy nhiên, hạn chế của tàu điện một ray là công suất vận chuyển thấp hơn loại hình hai ray. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ để có thể ứng dụng trong tương lai khi dân số đô thị tăng nhanh.

Với sự nắm bắt nhanh nhạy thị trường, một số nhà cung cấp quốc tế đã đến Việt Nam để giới thiệu những sản phẩm mà theo họ là khá phù hợp với đặc điểm giao thông Việt Nam.

Điển hình như Hitachi đã rất tự hào “khoe” hệ thống Monorail với hàng loạt ưu điểm gồm: thân thiện môi trường, tiếng ồn nhỏ, thời gian xây dựng nhanh, tuyến đường linh hoạt, đa dạng trong thiết kế toa xe, khả năng chuyên chở cao… đặc biệt là Monorail chi phí cạnh tranh nhất trong đầu tư hạ tầng tại Nhật Bản (kết cấu xà - trụ của Monorail giảm được khoảng 30% chi phí so với kết cấu dầm - trụ thông thường).

Hãng Frazer-Nash giới thiệu hệ thống tàu điện 1 ray thế hệ mới Metrail, với công nghệ cốt lõi tàu tự hành, sử dụng phát minh hiện đại nhất về vi điện tử, các loại vật liệu composit nhẹ, hệ thống chuyển động và điều khiển hoàn toàn bằng máy vi tính đã đạt trình độ nghệ thuật trong giao thông công cộng cho các thành phố lớn hiện nay. Metrail còn sở hữu những đặc tính riêng có như: hệ thống giảm xóc kép trong các giá chuyển hướng, cách tân trong công cụ lái sử dụng kỹ thuật số màn hình điều khiển tích hợp… Metrail có thể dễ dàng vào trong các hành lang đường trong thành phố mà không cần sự trợ giúp của hệ thống lưới điện quốc gia và các trạm điện… Đặc biệt, Metrail rất thích hợp với  mạng lưới cung cấp hệ thống vận tải đường ray loại nhẹ hiện có và hệ thống đường sắt với hành lang giao thông hẹp .

Theo Thanglonggroup.com