In bài viết

Hình ảnh Trung Quốc đang xấu đi trên trường quốc tế

(Chinhphu.vn) – Tờ Wall Street Journal mới đây nhận định: Trung Quốc luôn phản đối “quốc tế hóa” tranh chấp trên Biển Đông. Do đó, việc Trung Quốc trâng tráo tố Việt Nam tại LHQ và tự tô vẽ mình là “nạn nhân” là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng về những tổn hại đối với hình ảnh và uy tín của nước này trên trường quốc tế.

13/06/2014 16:44
* Trên trang US News ngày 11/6, nhà phân tích Mark C. Eades của Hiệp hội Chính sách đối ngoại (FPA) của Mỹ khẳng định, việc Trung Quốc tố Việt Nam tại LHQ và tự nhận quần đảo Hoàng Sa “là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc” cho thấy Bắc Kinh đang “tự tạo ra thực tế mới” trên Biển Đông.

Mark C. Eades nhấn mạnh: Chẳng quốc gia nào trên thế giới công nhận bản đồ “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Trung Quốc luôn tự vẽ ra bản đồ theo ý đồ chủ quan của nước này mà không quan tâm các nước và thế giới nghĩ gì.

Trên thực tế, Trung Quốc là bậc thầy sáng tạo ra những cuốn tiểu thuyết địa chính trị tưởng tượng rồi tự thuyết phục bản thân rằng “đó là thực tế không thể bị bác bỏ”. Nhưng vấn đề là Trung Quốc chẳng thuyết phục được ai.

Ông Mark C. Eades cho rằng các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương xích lại gần nhau và tăng cường hợp tác với Mỹ vì lo ngại sự hiếu chiến của Trung Quốc.

“Nhưng đối với Trung Quốc, các nước láng giềng châu Á và Mỹ phạm tội khiêu khích và gây rắc rối. Thật là đáng tội nghiệp cho Trung Quốc, nạn nhân vô tội của các nước khác”-chuyên gia Eades giễu cợt.

Ông nhận định việc chính quyền Trung Quốc lớn tiếng phản đối đầy giận dữ vụ hải quân Việt Nam và Philippines giao lưu và chơi bóng chuyền trên đảo Song Tử Tây, cho thấy cộng đồng quốc tế không thể coi Trung Quốc là một cường quốc thế giới.

Tờ Wall Street Journal mới đây nhận định: Trung Quốc luôn phản đối “quốc tế hóa” tranh chấp trên Biển Đông. Do đó, việc Trung Quốc trâng tráo tố Việt Nam tại LHQ và tự tô vẽ mình là “nạn nhân” là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng về những tổn hại đối với hình ảnh và uy tín của nước này trên trường quốc tế.

Nhà phân tích Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ cũng cho rằng, rõ ràng Trung Quốc đang lo ngại về uy tín quốc tế của nước này sau khi bị các nước khu vực và Mỹ tố cáo là kẻ gây chiến.

Theo chuyên gia Glaser, việc Trung Quốc gửi khiếu nại lên LHQ thay vì chấp nhận việc phân định chủ quyền Biển Đông ở Tòa án quốc tế là “Trung Quốc không muốn bị xem là nước chuyên vi phạm luật pháp quốc tế”.

*Một khảo sát gần đây được BBC World (Anh) tiến hành cho thấy hình ảnh của Trung Quốc không được đón nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ người có nhìn nhận tiêu cực đối với Trung Quốc tại hai nước láng giềng quan trọng nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc đã sụt giảm xuống mức đáng lo ngại. Tại Hàn Quốc, chỉ 32% người dân nhìn nhận Trung Quốc dưới con mắt tích cực so với 56% tiêu cực. Tại Nhật Bản, tỷ lệ còn chênh lệch dữ dội hơn với vỏn vẹn 3% có cái nhìn tích cực về Trung Quốc so với 73% tiêu cực, mức thấp nhất trong lịch sử.

Một điểm đáng lưu ý khác là hầu hết các nước phát triển có cái nhìn không mấy thiện cảm với Trung Quốc. Tỷ lệ tiêu cực và tích cực tại Anh lần lượt là 49% và 46%, tại Australia là 47% và 44%, Đức là 76% và 10%.

Theo BBC World, kết quả này tất yếu dẫn đến một câu hỏi: “Trung Quốc có quan tâm tới hình ảnh trên trường quốc tế của mình?”. Xét trong bối cảnh tàu Trung Quốc vừa đâm chìm một tàu Việt Nam sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông, cùng với hành động đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không bao trùm Biển Đông, BBC World nhận định: Có lẽ Trung Quốc cũng chẳng màng tới hình ảnh của mình trong mắt các nước láng giềng châu Á. Tuy nhiên, hành động này trái ngược với nỗ lực của Trung Quốc trong nhiều năm qua để củng cố quyền lực mềm cũng như xây dựng một hình ảnh tích cực trên trường quốc tế.

Vậy, câu hỏi thực chất là: Nếu Trung Quốc quan tâm tới hình ảnh đất nước, sao nước này lại hành động để bôi nhọ nó như vậy? Đây là một thắc mắc hợp lý, trong bối cảnh rất nhiều bằng chứng cho thấy các quốc gia tại châu Á đang xem Trung Quốc như một nước lớn chuyên đi bắt nạt kẻ yếu.

Còn tờ The Diplomat (Nhật Bản) liệt kê 3 khả năng giải thích cho sự trước sau bất nhất trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc: Đầu tiên, có thể Trung Quốc cũng không thực sự đánh giá cao cả khái niệm hình ảnh quốc gia hay quyền lực mềm. Theo trường phái logic hiện thực đang chiếm ưu thế tại nước này, cái thực sự có giá trị trên bàn cờ chính trị thế giới là sức mạnh vật chất, còn quyền lực mềm cũng chỉ là một sản phẩm phụ của sức mạnh vật chất mà thôi.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã vận dụng chân lý “thà được người khác nể sợ còn hơn được yêu quý” trong đối ngoại chính trị quốc tế. Nếu đây thực sự là nền tảng của chính sách ngoại giao Trung Quốc sử dụng trong những năm vừa qua thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu nước này cảm thấy việc củng cố hình ảnh quốc gia là chẳng cần thiết.

Khả năng thứ hai là Trung Quốc có quan tâm tới hình ảnh, nhưng còn thiếu kinh nghiệm, hay thậm chí vụng về trong việc củng cố nó.

Thật vậy, trong những năm gần đây, Trung Quốc nỗ lực rất nhiều để xây dựng hình ảnh đối với quốc tế. Ví dụ như nước này đã đổ một núi tiền vào kỳ Olympic 2008 tổ chức tại Bắc Kinh để tiếp thị hình ảnh tích cực của quốc gia. Rõ ràng là nước này muốn xây dựng một hình ảnh tích cực và hòa bình trước cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, cũng có thể các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm xúc tiến hình ảnh quốc gia chưa có đủ năng lực hoặc thiếu đi sự phối hợp giữa các cơ quan như Bộ Ngoại giao và quân đội. Ví dụ, tờ báo chỉ ra, phải mất một tháng sau khi vấp phải sự phản đối từ cộng đồng quốc tế thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới có thể công bố một cái gọi là thư bày tỏ lập trường, khi đó thì hình ảnh của nước này đã bị bôi xấu.

Trung Quốc vẫn khăng khăng khẳng định tàu Việt Nam đâm húc tàu Trung Quốc hơn 1.400 lần, nhưng lại không đưa ra được video nào để chứng minh. Những thí dụ trên cho thấy nếu muốn nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, những gì nhà cầm quyền Trung Quốc làm hiện tại là chưa đủ khéo léo, tinh tế.

Cuối cùng, việc Trung Quốc bỏ bê hình ảnh có thể được giải thích bằng việc nước này quyết định đặt lợi ích lên trên hình ảnh quốc gia. Vì vậy, Trung Quốc có quan tâm tới hình ảnh, nhưng họ quan tâm tới chủ quyền lãnh thổ còn nhiều hơn. Nếu phải chọn một trong hai, Trung Quốc sẽ chọn chủ quyền. Như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu hồi đầu năm “Trung Quốc sẽ không bao giờ hy sinh lợi ích cốt lõi quốc gia trong mọi điều kiện”.

Phương Linh (tổng hợp)