Câu chuyện bồi lắng của Hồ Ba Bể đột ngột "bùng nổ" với những ý kiến trái chiều về việc khai thác khoáng sản quanh khu vực hồ cho thấy vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là các khu vực có giá trị quốc gia, quốc tế đặc biệt như hồ Ba Bể, ngày càng nhận được sự quan tâm rất lớn của các tầng lớp xã hội cũng như công luận.
Có 3 mỏ khoáng sản đã và đang khai thác xung quanh khu vực hồ Ba Bể. Đó là mỏ sắt bản Cuôn1, xã Ngọc Phái, cách hồ khoảng 30km, được cấp phép khai thác từ 1/7/2008. Mỏ đá Nà Hai tại xã Quảng Khê, được cấp phép ngày 22/10/2007, đang tạm dừng hoạt động từ giữa năm 2010. Nhưng mỏ sắt Pù Ổ tại xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn được coi là nguy cơ gây bồi lấp hồ lớn nhất.
Thế nên, ngay khi một số cơ quan báo chí thông tin về nguy cơ bồi lấp hồ Ba Bể từ hoạt động khai thác mỏ Pù Ổ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại mỏ.
Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường do ông Ngô Văn Viện, Phó Giám đốc Sở là Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế tại mỏ, gặp gỡ người dân tại khu vực để nắm các thông tin liên quan đến khiếu nại. Theo Biên bản kiểm tra ngày 24/3/2011, Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico đã thực hiện xây dựng 2 hồ xử lý nước thải sau tuyển và 2 hồ xử lý nước mưa chảy tràn như nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Nhưng tại thời điểm kiểm tra, hồ xử lý nước thải đã đầy bùn, các bờ đắp chưa bảo đảm, hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn chưa được dẫn vào hồ xử lý trước khi thải ra môi trường.
Mỏ mới xây dựng hệ thống vận chuyển quặng từ xưởng tuyển xuống bãi tập kết bằng hệ thống ống nhựa đường kính 120mm (dùng nước đẩy) dài khoảng 500m về bãi tập kết có diện tích 500m2. Tuy nhiên công trình này chưa có đánh giá tác động môi trường, hiện có một số đoạn ống bị vỡ làm cho nước lẫn quặng chảy xuống ruộng của dân và chảy ra ngoài môi trường. Tại bãi tập kết chưa có hệ thống xử lý nước thải trước khi chảy vào suối Nam Cường.
Ngày 14/4, Chi cục Bảo vệ Môi trường có văn bản gửi Công ty Na Rì Hamico, yêu cầu Công ty nạo vét bùn tại hồ lắng số 1 và số 2; gia cố các bờ đập của các hồ xử lý. Đối với hệ thống vận chuyển quặng, Chi cục yêu cầu tạm dừng vận hành để xây dựng hệ thống xử lý nước sau vận chuyển, khắc phục đường ống bị vỡ và phải có văn bản báo cáo để Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trước khi vận hành lại hệ thống này.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Tổng cục Môi trường (ngày 23/5), ông Nguyễn Văn Dĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, mỏ Pù Ổ được cấp phép khai thác ngày 2/5/2008, thời gian hoạt động là 17 năm. Ông Nguyễn Văn Dĩnh còn cho biết, thực hiện văn bản của Đoàn kiểm tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty đã sửa chữa, nâng cấp chất lượng các bờ đập hồ xử lý nước thải; gia cố, xử lý các ông bị nứt tại hệ thống vận chuyển quặng tinh không để nước chảy ra ngoài trong quá trình vận chuyển, xây dựng hồ xử lý nước thải từ quặng tinh, không để nước thải chảy trực tiếp ra môi trường; đồng thời mời các hộ dân bị đất đá lấp ruộng đến trao đổi, giải quyết bồi thường trực tiếp và đã báo cho chính quyền xã.
Do đang là mùa cạn, nên nguồn nước thải chảy ra từ hồ chứa nước mưa (hồ số 3 và số 4) chảy vào mương thoát nước của mỏ rất ít và trong. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy, với độ cao của mỏ Pù Ổ, đất đá thải mặc dù nằm trong "khuôn viên" của mỏ, nhưng chắc chắn khi trời mưa bão, sẽ bị cuốn xuống chân mỏ và làm tăng lượng bùn đất trong nước dòng suối Nam Cường. Tại khu vực này, từ khi mỏ khai thác đến nay chưa có đợt mưa lớn kéo dài nào để "thực chứng" lượng bùn thải trong nước tràn từ bãi thải.
 | Bãi thải mỏ Pù Ổ trong mùa khô | |
Ngày 20/5, Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Kạn đã tiến hành lấy 7 mẫu nước thải và nước mặt từ trên suối Nam Cường từ cửa xả của mỏ Pù Ổ tới hồ Ba Bể để phân tích chất lượng nước. Đến ngày 22/5, Trung tâm tâm Quan trắc và Công nghệ môi trường Thái Nguyên đã hoàn tất việc phân tích 22 chỉ tiêu liên quan đến chất lượng nước các mẫu. Kết quả cho thấy, chỉ có một thông số duy nhất vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08:2008/BTNMT, cột A2) - đó là tiêu chí về chất thải rắn lơ lửng tại mẫu nước lấy ở vị trí đập tràn suối Nam Cường trước khi chảy vào hồ Ba Bể (30,9mg/l so với tiêu chuẩn là 30mg/l). Chỉ tiêu này tại 6 vị trí lấy mẫu còn lại đều thấp hơn quy chuẩn cho phép rất nhiều. Chẳng hạn hàm lượng chất thải lơ lửng tại vị trí nước suối Nam Cường trước cửa xả mỏ Pù Ổ (cách hồ 22km) là 5,7mg/lít; còn tại vị trí ngay sau cửa xả của mỏ Pù Ổ là 15,2mg/l. Trong khi có nước thải ở cửa xả hồ số 1 và nước thải ở cửa xả hồ số 4 của mỏ từ 11,7 đến 12,8mg/l. Còn chất thải lơ lửng trong nước mặt tại hồ Ba Bể (bến phà) chỉ có 4,3mg/l.
Các thông số liên quan đến ô nhiễm kim loại nặng như như chì, crôm, đồng, thủy ngân, Ni tơ, sắt, mangan, oxyt sắt, kẽm, a xit sun-fua-rích…đều dưới mức cho phép ở tất cả các điểm lấy mẫu.
Làm việc với Đoàn công tác của Tổng cục Môi trường, ông Nông Đức Khuê, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia nhận xét không có tình trạng bồi lắng đột biến trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, tốc độ bồi lắng có chiều hướng giảm xuống. Ông mong mỏi rằng các cấp, các ngành nên có cách nhìn khách quan, khoa học về tình trạng bồi lắng tự nhiên của hồ Ba Bể, sớm tìm ra các giải pháp xử lý hiệu quả mới thực sự vì hồ Ba Bể.
Coi trồng rừng là một giải pháp chống bồi lấp tự nhiên cho hồ Ba Bể, 5 năm qua, Bắc Kạn đã trồng mới trên 25.000 ha rừng, đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%. 5 năm tới, tỉnh tiếp tục trồng mới 60.000 ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên 62%. Riêng dự án Đầu tư trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng lưu vực sông Cầu giai đoạn 1010 - 2015 vừa được UBND tỉnh phê duyệt ngày 30/12/2010 vừa qua có nhiệm vụ bảo vệ 91.533 ha rừng hiện có và trồng mới 16.173 ha tại 44 xã thuộc các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Chợ Mới, thị xã Bắc Kạn. |
Thao Lan