Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa Việt Nam thành một nước độc lập. |
Người đã đi suốt từ châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, nghiên cứu các nước vào loại phát triển nhất của hệ thống Tư bản chủ nghĩa lúc bây giờ. Đồng thời bằng trải nghiệm qua thực tiễn quê hương mình, Người đã nghiên cứu cuộc sống của những người thuộc địa rất là khốn khổ ở châu Phi.
Khi tiếp cận Luận cương của Lê-nin về vấn đề thuộc địa thì Bác Hồ đã nhận ra con đường cứu nước cứu dân tộc. Toàn bộ việc đi tìm đường cứu nước của Người là có chủ ý, đã có những điều kiện nền tảng về tư tưởng và Bác đã chọn con đường rất mới, đó là con đường đi sang châu Âu để tìm con đường cứu nước, để hướng tới những tư tưởng hiện đại nhất của thời đại lúc bấy giờ.
Theo PGS, TS Lê Văn Yên (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia), Nguyễn Tất Thành chọn cho mình hướng đi mới, đó là cách tìm đến các nước phương Tây, nơi có trào lưu tự do, bình đẳng, bác ái để tìm cách làm mới, phương pháp mới, rồi trở về nước giúp Tổ quốc, giúp đồng bào.
Trong lúc đất nước đang cơn khủng hoảng, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc vượt trùng dương đi tìm chân lý cách mạng. Có thể nói, đây là sự kiện lịch sử quan trọng, là bước mở đầu cho cách mạng Việt Nam chuẩn bị đi vào con đường cách mạng vô sản, nhịp bước với thời đại, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân một cách hữu cơ từ trong bản chất giai cấp và trên tinh thần đấu tranh vì lợi ích nhân loại.
PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia HCM) nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chắt lọc những tư tưởng, học thuyết đã có sẵn và luôn luôn mở rộng tầm nhìn, khai thác tư tưởng mới của nhân loại. Đây là sự gặp gỡ giữa tư tưởng của một con người có tầm trí tuệ với các vấn đề khách quan của thời đại đặt ra. Sự gặp gỡ giữa một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn, một khát vọng lớn của một con người với những vấn đề nóng bỏng của thời đại đã hun đúc nên tư tưởng và đường hướng phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ra đi tìm đường cứu nước khỏi đêm trường nô lệ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng tìm thấy con đường ấy là việc khó gấp bội phần.
PGS, TS Lê Văn Tích- Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia HCM khẳng định sau nhiều thất bại của các bậc tiền bối, Hồ Chí Minh là người đầu tiên tìm ra lời giải cho "Bài toán thế kỷ" đặt ra trước dân tộc.
Theo ông Nguyễn Huy Hoan- nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ đó, chúng ta rút ra được rất nhiều bài học. Bài học đầu tiên, đó là có lòng yêu nước sâu sắc và phải biến lòng yêu nước đó thành hành động cụ thể. Hành động cụ thể của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc từ khi ra đi tìm đường cứu nước là sự toàn tâm, toàn ý tập trung vào việc phải tìm cho dân tộc con đường giải phóng đúng đắn.
Bài học thứ hai là phải có trí tuệ sáng suốt, phải biết lựa chọn con đường đúng đắn. Ở thời điểm Người ra đi tìm đường cứu nước thì chưa có một mô hình nào cụ thể về con đường giải phóng dân tộc. Nhưng thiên tài của Bác Hồ là đã chọn được mô hình rất đúng đắn để giải phóng dân tộc. Và kết quả là dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại.
Bài học thứ ba chính là tấm gương Bác Hồ về học tập, nghiên cứu. Ngoài việc học tập, anh Người không thiết một cái gì khác cả. Suốt ngày học tập, học cho đến 11 giờ đêm. Đi đâu cũng học và gặp ai cũng học. Bài học thứ tư chính là việc tìm lời giải cho bài toán khó cho đất nước thì phải sáng tạo. Nhờ sáng tạo ấy mà Bác Hồ của chúng ta đã tìm được con đường giải phóng dân tộc.
Luận cương của Lê-nin chỉ nêu những vấn đề cơ bản và Hồ Chí Minh đã có sự sáng tạo. Đó là muốn giải phóng dân tộc phải dựa vào sức dân mình là chính.
Mai Hồng