Năm 1995 ông Yên về nước, nhưng không được tiếp nhận công tác vào đơn vị cũ và chưa được thanh toán các chế độ, chính sách. Ông vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống từ đó đến nay. Ông Yên hỏi, ông có được thanh toán thời gian công tác trên không? Hồ sơ cần những gì? Nếu hồ sơ công tác bị thất lạc thì phải tới những cơ quan nào xác nhận? Sau khi hoàn tất hồ sơ có được đóng tiếp BHXH để được nghỉ hưu sau này không?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh trả lời như sau:
Ông Yên có thời gian tham gia quân đội từ năm 1978 đến năm 1981, sau đó chuyển ngành công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Từ 1989 đi lao động hợp tác tại Liên Xô theo điều động của UBND huyện Đông Hưng.
Tại Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định: Người lao động thuộc biên chế của các cơ quan, đơn vị nhà nước được cơ quan, đơn vị cử đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đã về nước nhưng không đúng hạn hoặc về nước đúng thời hạn nhưng đơn vị cũ không bố trí, sắp xếp được việc làm thì được xem xét tính thời gian làm việc trong nước trước khi đi làm việc ở nước ngoài và thời gian ở nước ngoài trong thời hạn cho phép để hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Thành phần hồ sơ đề nghị tính thời gian được cử đi hợp tác lao động có thời hạn ở nước ngoài theo Hiệp định của Chính phủ được quy định tại khoản 3 Điều 35 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo đó hồ sơ làm căn cứ để xem xét gồm: Lý lịch gốc, lý lịch bổ sung, các giấy tờ gốc có liên quan đến thời gian làm việc, tiền lương của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; quyết định cử đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (trường hợp không có quyết định cử đi làm việc thì thay bằng văn bản xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị cử người lao động, trong đó ghi rõ thời gian người lao động được cử đi công tác, làm việc, học tập, thực tập có thời hạn ở nước ngoài và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận); Bản chính “Thông báo chuyển trả” hoặc “Quyết định chuyển trả” của Cục Hợp tác quốc tế về lao động (nay là Cục Quản lý lao động ngoài nước) cấp hoặc Giấy xác nhận về thời gian đi hợp tác lao động để giải quyết chế độ BHXH của Cục Quản lý lao động ngoài nước; Giấy xác nhận chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần sau khi về nước của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động trước đi công tác, làm việc có thời gian ở nước ngoài. Trường hợp cơ quan, đơn vị đã giải thể thì cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp xác nhận.
Khoản 4 Điều 35 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định việc giải quyết hồ sơ cấp sổ BHXH đối với trường hợp người lao động đang nghỉ việc như sau: Người lao động nộp hồ sơ quy định cho đơn vị quản lý cuối cùng nơi người lao động làm việc. Trường hợp đơn vị đã giải thể thì người lao động nộp hồ sơ cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp; Đơn vị quản lý cuối cùng của người lao động có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và chuyển hồ sơ của người lao động kèm theo văn bản đề nghị gửi cơ quan BHXH nơi đơn vị đóng BHXH; Cơ quan BHXH có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và cấp sổ BHXH đối với người lao động chưa được cấp sổ BHXH; ghi bổ sung thời gian công tác đối với người lao động đã được cấp sổ BHXH.
Như vậy, nếu trong trường hợp từ khi về nước đến nay ông không có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đề nghị ông liên hệ đơn vị quản lý cuối cùng của ông là UBND huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình để thực hiện theo Khoản 4 Điều 35 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên.
Nếu chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên), nếu không tiếp tục làm việc và tham gia BHXH bắt buộc, ông có thể liên hệ với các Đại lý thu BHXH tự nguyện tại Bưu điện quận, huyện để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
Chinhphu.vn