Cơ sở trên chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/6/2023 (từ thời điểm đi vào hoạt động đến nay cơ sở không thay đổi quy mô, công suất, diện tích) với số lượng lao động là 9 công nhân.
Cơ sở có khối lượng chất thải phát sinh như sau:
Nước thải sản xuất: Cơ sở nuôi cá theo phương pháp tự nhiên trong lồng bè trên hồ thủy điện, hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn nào xác định lưu lượng nước thải phát sinh từ hoạt động này.
Nước thải sinh hoạt: Theo tính toán phát sinh tối đa 0,72 m3/ngày.đêm.
Chất thải rắn trong quá trình chăn nuôi: Lượng cá chết phát sinh khoảng 4-5 kg/tháng (lượng cá này được thu gom không thải bỏ ra môi trường mà được cơ sở sử dụng để ủ phân bón).
Chất thải rắn sinh hoạt: Đối với chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng (bao bì nilông, carton…) sẽ tận dụng đựng phân hoặc bán cho các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn. Chất thải không có khả năng tái chế sẽ được thu gom và công nhân vận chuyển ra bãi rác tập trung trên địa bàn xã vào cuối ngày, ước tính lượng rác thải này phát sinh khoảng 2 kg/ngày.
Chất thải nguy hại: Chất thải nguy hại phát sinh chủ yếu là dầu động cơ, giẻ lau nhiễm dầu với khối lượng trung bình 40 kg/năm.
Yếu tố nhạy cảm về môi trường: Theo Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 thì cơ sở không có các yếu tố nhạy cảm về môi trường.
Ông Tùng đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn việc lập hồ sơ môi trường cho cơ sở nuôi cá của công ty ông.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) trả lời vấn đề này như sau:
Do ông cung cấp chưa rõ thông tin về việc công ty đã có hay chưa có hồ sơ môi trường đã được phê duyệt trước khi đi vào hoạt động theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 khi đi vào hoạt động chính thức ngày 1/6 /2023. Bên cạnh đó, công ty chưa cung cấp thông tin giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện Đồng Nai do cơ quan quản lý nhà nước nào cấp nên chưa đủ cơ sở để hướng dẫn chi tiết theo nội dung câu hỏi đã nêu. Đề nghị ông nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành sau để đối chiếu, áp dụng thực hiện:
Mục 9 Phụ lục IV Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định:
"Dự án khai thác khoáng sản; dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp giấy phép về khai thác khoáng sản, khai thác, sử dụng tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh".
Theo quy định tại Điểm d và Điểm e Khoản 4 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đây là dự án đầu tư nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Điểm b Khoản 1 Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: "Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e Khoản 4 Điều 28 thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường".
Chinhphu.vn