Ảnh minh họa |
Bộ Xây dựng đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
Theo dự thảo, hộ gia đình được hỗ trợ theo quy định của Quyết định 48/2014/QĐ-TTg phải có đủ 3 điều kiện:
Thứ nhất, là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 (không áp dụng chuẩn hộ nghèo theo quy định của địa phương); có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định 48/2014/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành; là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định 48/2014/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành tối thiểu 2 năm.
Thứ hai, chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà hoặc có nhà ở được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà.
Thứ ba, hộ không thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Dự thảo nêu rõ, các hộ gia đình được hỗ trợ phải đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão, lụt thuộc khu vực nông thôn hoặc tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc (thôn) trực thuộc phường, thị trấn; xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà
Theo dự thảo, UBND cấp tỉnh, chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở phòng, tránh bão, lụt điển hình cho căn hộ khu vực trong tỉnh kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương để phổ biến, giới thiệu cho các hộ gia đình áp dụng hoặc nghiên cứu tham khảo để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Đồng thời có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp cải tạo, nâng tầng làm sàn nhà phòng, tránh bão, lụt.
Nhà ở phòng, tránh bão, lụt hoặc cải tạo, nâng tầng làm sàn phòng, tránh bão, lụt, đảm bảo có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng; diện tích xây dựng sàn tối thiểu 10 m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái tương đương kết cấu của nhà ở xây dựng kiên cố (nhà ở có các thành phần: móng làm bằng bê tông cốt thép, gạch/đá; cột, tường làm bằng bê tông cốt thép, gạch/đá, sắt/thép/gỗ bền chắc; sàn làm bằng bê tông cốt thép/gỗ bền chắc. Đối với vùng thường xuyên có bão thì mái làm bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu lợp có chất lượng tốt đảm bảo khả năng phòng chống được bão từ cấp 12 trở lên).
Theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ sẽ có khoảng 40.000 hộ nghèo ở Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ từ 12-16 triệu đồng cho mỗi hộ nghèo xây nhà phòng, tránh bão, lụt. Trong đó, năm 2014 thực hiện hỗ trợ khoảng 20% số đối tượng; năm 2015 thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng; năm 2016 thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng. Ngoài nguồn hỗ trợ ngân sách nhà nước, các hộ nghèo được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay. |
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Hoài Văn