Ảnh minh họa |
Theo đó, đối tượng hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung quy định tại khoản 1 điều 2 Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và điều 3 Thông tư 16/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Mức hỗ trợ về nhà ở từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt (bao gồm xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng tầng) được quy định cụ thể: 16 triệu đồng/hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ; 14 triệu đồng/hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; 12 triệu đồng/hộ đang cư trú tại vùng còn lại.
Thông tư cũng quy định về nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Cụ thể, ngân sách trung ương hỗ trợ 100% theo mức quy định đối với các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% theo mức quy định đối với các địa phương Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Uỷ ban nhân dân các địa phương bố trí ngân sách địa phương cùng với nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương để hỗ trợ theo mức quy định và sử dụng ngân sách địa phương để bố trí kinh phí quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chính sách (cho cả các cấp: tỉnh, huyện, xã) triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung với mức tối đa không quá 0,5% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ và vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện chính sách theo quy định.
Ngoài mức hỗ trợ theo quy định, căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương có thể hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương để nâng cao chất lượng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho các hộ gia đình được hỗ trợ.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 18/3/2015.
Khánh Linh