Ảnh minh họa |
Cụ thể, về việc chi hỗ trợ hộ nghèo được lựa chọn tham gia thực hiện mô hình giảm nghèo, Thông tư nêu rõ, tùy theo từng mô hình cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ một lần chi phí để triển khai thực hiện mô hình. Mức hỗ trợ tối thiểu 7.000.000 đồng/hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ tối thiểu 5.000.000 đồng/hộ nghèo sinh sống ở vùng khác.
Liên Bộ nêu rõ, tuỳ điều kiện cụ thể và khả năng huy động nguồn vốn hợp pháp khác, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành, đoàn thể ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ cao hơn cho phù hợp với từng mô hình; thu hồi một phần chi phí hỗ trợ hoặc vật nuôi phù hợp với từng mô hình và điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo tại địa phương để nâng cao trách nhiệm của từng hộ nghèo, bảo đảm nhiều hộ nghèo được tham gia thực hiện mô hình.
Bên cạnh đó, cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện mô hình cho đến khi mô hình có kết quả cũng được chi chế độ công tác phí theo quy định và được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày thực địa.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo có mục tiêu nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và đa dạng hóa về thu nhập cho người nghèo, hộ nghèo; tạo cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực thị trường (thị trường vốn, lao động, đất đai, khoa học, kỹ thuật-công nghệ và thị trường hàng hóa đầu vào, đầu ra...) hướng đến phát triển sản xuất và dịch vụ, tăng nhanh thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhiệm vụ chủ yếu của dự án là hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề; nhân rộng các mô hình khuyến nông-lâm-ngư ở các vùng đặc thù, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho lao động nghèo; hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hoá; Thí điểm thực hiện mô hình sản xuất nông-lâm kết hợp, tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng… |
Thu Nga