Ảnh minh họa |
Bộ Tư pháp cho biết, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, trong đó chủ yếu (khoảng 97%) là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Trong năm 2017 và đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Kết quả tổng kết cho thấy, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đi vào nề nếp, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và sử dụng tư vấn pháp luật của doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh và gia tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong một số trường hợp, ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa có trọng tâm, trọng điểm, còn trùng lặp, chưa đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng; kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được quan tâm bố trí thỏa đáng. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế này là do một số quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP còn vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.
Do đó, việc xây dựng, ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP là cần thiết để quy định chi tiết chế định về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, để khắc phục các vướng mắc, bất cập của một số quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Nghị định mới về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa hoạt động hỗ trợ pháp lý này đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đã đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể như sau:
Căn cứ xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng thời kỳ, lĩnh vực, địa phương; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh; nguồn lực của bộ, cơ quang ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: 1- Hoạt động cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế và cảnh báo rủi ro pháp lý; 2- Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bao gồm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật; 3- Hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực của bộ, cơ quang ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời hạn tối đa 5 năm.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.