Trong đó, vốn đối ứng là 4 tỷ đồng Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối trong ngân sách chi hành chính sự nghiệp được phân bổ hàng năm.
Trước đó, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh. Mục tiêu chung của Chiến lược là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chiến lược cũng xác định 3 mục tiêu cụ thể: Thứ nhất, tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có, khuyến khích phát triển các vùng kinh tế, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.
Thứ hai, nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.
Để đạt được 3 mục tiêu nêu trên, Chiến lược cũng đề ra 3 nhiệm vụ quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Phương Hiển