Diễn đàn “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng cường khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh”. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Đây là một nội dung được đưa ra trao đổi tại Diễn đàn “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng cường khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh” ngày 5/11 do Cục Tài chính doanh nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức.
Khó vay vốn
Ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Trí Cường, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, cung cấp hàng cho nhiều doanh nghiệp FDI than phiền, dù hoạt động trong lĩnh vực được ưu tiên nhưng do chưa có tên tuổi nên DNNVV mới thành lập hầu như rất khó tiếp cận vốn tín dụng. Hầu hết các DNNVV đều phải đi thuê nhà xưởng với mức giá tăng đều qua các năm. Đến nay, công ty ông sau 10 năm thành lập, tuy đã được tiếp cận vốn tốt hơn nhưng vấn đề gặp phải là lãi suất còn cao.
“Khi các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết thì các doanh nghiệp (DN) trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp bên ngoài, tuy nhiên, lãi suất cho vay ở Việt Nam quá cao, nếu không được tiếp cận vốn tín dụng ở mức 4-5% thì nhiều DN Việt khó có thể cạnh tranh sòng phẳng”, ông Thủy khẳng định.
Về những thách thức mà DNNVV gặp phải, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, các DNNVV chủ yếu trông chờ vào vốn ngân hàng, trong khi một số ngân hàng không phải lúc nào cũng có trạng thái thanh khoản tốt, nợ xấu được giải quyết gọn gàng. Nợ xấu tuy đã được tập trung sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) nhưng vẫn chưa đảm bảo là giải quyết dứt điểm, rủi ro nợ xấu vẫn tiềm ẩn.
Ông Cao Sỹ Khiêm nói thêm, các cơ chế mới như cho DNNVV tư nhân tham gia vào các dự án ODA vẫn chưa rõ ràng. Các quy định, môi trường pháp lý mặc dù trong thời gian vừa qua đã được sửa hàng loạt nhưng việc phổ biến, triển khai hoạt động, đặc biệt là cho DNNVV là chưa nhiều. Đặc biệt, điều kiện của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư vẫn chưa được triển khai cụ thể.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ vay của các DNNVV không ngừng tăng trưởng qua các năm và luôn duy trì ở mức khoảng 25% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Tính đến 31/8, dự nợ tín dụng toàn hệ thống đối với DNNVV là hơn 977 nghìn tỉ đồng, tăng 4,11% kể từ đầu năm. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn của các DNNVV vẫn gặp khó khăn.
Một phần nguyên nhân chính từ phía các DNNVV là do tính minh bạch, hệ thống báo cáo tài chính chưa thật sự chính xác, chưa được kiểm toán. Do đó, các tổ chức tín dụng thiếu thông tin khi phân tích, đánh giá và thẩm định nhu cầu vay vốn của DNNVV. Nhiều DN có quy mô vốn nhỏ, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, thiếu chiến lược bài bản, do đó không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định pháp luật và quy trình quản trị rủi ro tại các tổ chức tín dụng.
Tăng cường xây dựng lòng tin từ 2 phía
Thực tế, khác với một số nước, các ngân hàng Việt Nam thay vì thẩm định phương án kinh doanh, quản lý dòng tiền thì hoạt động cho vay vẫn bám chủ yếu vào tài sản đảm bảo.
Không ít ngân hàng vẫn chưa thật sự “chung lưng đấu cật”, đồng hành với hoạt động sản xuất cùng DN vì rõ ràng điều này đòi hỏi trình độ thẩm định phân tích dự án cao hơn, bám sát DN, hoạt động tín dụng phức tạp hơn, thời gian và công sức phải bỏ ra nhiều hơn.
TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, cần có các chính sách đảm bảo công bằng hơn giữa các DN Nhà nước và tư nhân (trong đó có nhiều DNNVV). Cần khẩn trương giải quyết nhanh vấn đề nợ xấu, đặc biệt là cần có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Doãn Anh Tuấn, Giám đốc phát triển kinh doanh DNNVV, Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) cho biết: VPBank đang nỗ lực triển khai các hoạt động tín dụng không cần dùng tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào kết quả thẩm định phương án, kết quả kinh doanh, dòng tiền DN. Các mức lãi suất phổ biến là 8-9% cho vay ngắn hạn và 10% cho vay dài hạn là “chấp nhận được”. Ngoài ra, có các gói chuyên biệt lãi suất thấp hơn nữa ở mức 6-7%, hay các gói cho DN xuất nhập khẩu vay USD với mức lãi suất thấp hơn thị trường 1-2%...
Đưa ra lời khuyên với DN, ông Doãn Anh Tuấn cho biết, với tình trạng thiếu minh bạch trong các báo cáo, phía ngân hàng khi cho vay sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố ngoài DN như: Xác định các đối tác làm ăn của DN đó như thế nào, DN ở vị trí thế nào trong chuỗi cung ứng hay các nguồn thông tin khác.
Đương nhiên, khi có các thông tin phản hồi không tốt về DN thì ngân hàng sẽ phải thận trọng hơn. Ngân hàng cũng đưa các chương trình tín dụng chuyên biệt như cho vay mua bán lúa gạo, sắn lát, gỗ, thủy sản với thời gian thẩm định rút ngắn hơn nhiều so với trước đây.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Tiến Đông cho rằng, việc khuyến khích các DNNVV làm ăn kinh doanh là chủ trương chung của Nhà nước, do đó, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng cam kết tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng nhiều hơn vào đối tượng này. Ngoài ra, sẽ tăng cường huy động vốn trong và ngoài nước và có các chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay đối với các dự án khả thi, có hiệu quả.
Ông Đông cũng cho rằng, các DNNVV cần phải tự hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành DN, chủ động tái cấu trúc kinh doanh theo hướng cắt bỏ các dự án đầu tư những hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, quản lý chặt chẽ dòng tiền kinh doanh.
Huy Thắng