In bài viết

Hỗ trợ, tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

(Chinhphu.vn) - Ngày 7/9, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức Lễ khởi động Chương trình hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

07/09/2022 17:25
Hỗ trợ, tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1.

Từ năm 2020, Toyota Việt Nam bắt đầu phối hợp với Bộ Công Thương triển khai dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp trong nước về công nghiệp hỗ trợ

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp hỗ trợ được đánh giá là một nhánh quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, đóng vai trò như nguồn đầu vào cho chuỗi hoạt động sản xuất và thúc đẩy lưu thông hàng hoá trong nước.

Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nêu thực tế, mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã từng bước được cải thiện, nhưng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đặt mục tiêu, năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, theo nhận định cho đến thời điểm hiện nay đây vẫn được coi là mục tiêu có nhiều thách thức với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, thời gian qua, Cục Công nghiệp đã phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia triển khai nhiều chương trình đào tạo, tư vấn đổi mới công nghệ sản xuất, giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất, đủ năng lực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, phải kể đến chương trình hợp tác giữa Cục Công nghiệp và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ qua các năm về việc hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Ông Nguyễn Xuân Thuỷ - Phó Giám đốc kế hoạch chiến lược, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam chia sẻ, từ năm 2020, Toyota Việt Nam bắt đầu phối hợp với Bộ Công Thương triển khai dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp trong nước về công nghiệp hỗ trợ và đã có những kết quả khả quan.

Năm nay, bên cạnh những hoạt động đã triển khai từ trước, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam sẽ mở rộng thêm hoạt động hỗ trợ theo chiều sâu cho một số nhà cung cấp nằm ngoài hệ thống các nhà cung cấp hiện tại của Toyota Việt Nam. 

"Thông qua các hoạt động mới của dự án trong năm nay, chúng tôi hy vọng Toyota Việt Nam có thể hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các doanh nghiệp qua đó đóng góp cho sự phát triển chung của ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam", ông Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh.

NT